葉家庄 – Diệp Gia Trang

Archive for April 8th, 2011

Tôi sinh ra dưới một mái chùa. Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: “Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tã lót?”. Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: “Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại”. Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cổ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi.

Lớn lên, tôi giống cha như đúc và rất được mẹ yêu chiều. Cha tôi mắt sáng, mũi cao, tiếng nói trầm ấm, tính tình hiền hòa trung thực. Khi còn là một chú tiểu đầu để chỏm, người đã nổi tiếng thông minh, mười lăm tuổi chép rành kinh chữ Hán. Rồi vì học giỏi, được cử làm giáo sư ở trường Trung học Bồ Ðề, một trường phổ thông tư thục của Giáo hội. Lúc người sắp được phong Ðại Ðức thì gặp cô bé nữ sinh tinh nghịch, có đôi mắt hút hồn, đôi môi đầy đam mê và cái tính thích gì thì làm cho bằng được. Ban đầu, cô bé chỉ định quấy phá chơi để thử bản lĩnh của thầy. Nhưng rồi tình yêu là lửa, chính người muốn đốt lại cháy. Cả chùa ngẩn ngơ khi người thanh niên đạo hạnh vòng tay thưa trước sư cụ trụ trì: “Yến bệnh nặng đã bốn tháng rồi, sợ rằng cô ấy chết. Thầy dạy con tu hành để cứu chúng sinh. Nay con có thể cứu một sinh linh, sao lại khước từ”. Cha tôi rời chùa, cô Yến khỏi bệnh rồi hai người thành vợ thành chồng. Ông bà tôi để lại một ngôi nhà, cha tôi cho dỡ đi, xây vào chỗ đó một ngôi chùa tư. Ðã không bỏ đời theo đạo được, thì ông đem đạo về giữa đời. Sau khi đã có con, ông vẫn ăn chay, mặc áo nâu và tụng kinh sớm chiều. Có lần mẹ tôi đi chợ mua một xâu ếch, những con ếch theo phản xạ cứ chắp hai chân trước vái lia lịa. Một bà đi ngang bảo mẹ tôi: “Mấy con ếch lạy khéo không thua thầy M.H”. Rồi bà cười hả hả: “Ði tu mà chẳng chót đời, làm thân con ếch cho người lột da”. Tính mẹ tôi mau nước mắt, cứ vừa đi vừa khóc thút thít cho đến lúc tới nhà. Tối đó bà kèo nhèo mãi, năn nỉ mãi cha tôi tội gì không để tóc, ngả mặn, làm người trần cho sướng cái thân. Tu kiểu này, người ta nói không chịu nổi. Cha tôi chỉ cười, dường như chẳng để tâm. Cả đời người không tranh giành với ai mà như có phép thần thông, chạm vào đâu thì phất lên đến đó. Cơ sở làm hương trầm của người càng phát triển, mẹ tôi càng béo đẹp ra thì lời đàm tiếu của thiên hạ càng rần rần. Cuối cùng, chẳng hiểu vì sao, mẹ bỗng đột ngột bỏ đi mất tăm…

Cô ruột tôi giận lắm bảo: “Mẹ mi là con yêu tinh, khi trước đã phá đời tu của cha mi, chừ lại phá luôn đời tục của ổng”. Ai cũng khuyên đăng báo tìm nhưng cha tôi chỉ nói: “Ðừng”. Ông không trách móc gì, nhưng có lẽ ông buồn, tiếng tụng kinh đêm khuya nghe chừng khắc khoải. Chao ôi, với những con thuyền khắc khoải ấy, kiếp nào cha mới đến Tây Phương?

Cơ sở làm hương từ đó phó mặc cho cô tôi. Cô tôi cho chặt cây, nhổ cỏ, sửa sang lại cho khu vườn sáng sủa: “Thiệt là hư sự, ai đời lập chùa mà lại trồng hoàng lan trong sân. Mùi hoàng lan là mùi ma, hèn chi ma chướng nó phá cho như thế ni”.

Tôi dân dấn nước mắt nhìn người ta chặt cây hoàng lan, cành lá vứt bừa bãi trên mặt đất. Ngày xưa, gội đầu xong mẹ tôi thường hái hoa giấu vào bối tóc cho thơm. Bây giờ người đã đi, hoa cũng không còn…

Năm tôi mười tuổi, có vị Ðại Ðức trên núi về thuyết pháp ở chùa Diệu Dế. Tôi đi theo cô tôi đến nghe. Khi trở về tôi xin xuất gia. Cha tôi bảo: “Kinh sách ở đây, chuông mõ ở đây, con còn đi đâu?”. Tôi chỉ lắc đầu…

Nơi thầy tôi ẩn tu là Bích Vân am – am Mây Biếc. Mười năm khai sơn, thầy đã cùng đồ đệ trồng hơn hai chục mẫu bạch đàn và ba ngàn giò phong lan đủ loại. Các sư huynh dạy tôi chăm hoa, tưới cây mỗi sáng. Buổi chiều đi học ở trường Nam Giao. Năm mười lăm tuổi, tôi bắt đầu chướng tính. Sư huynh hạch tôi: “Bạch thầy, Ðăng Ninh trốn học, la cà ở quán cà-phê Tím. Người quanh đó ai cũng chê cười, họ nói cô ruột Ninh làm hương giàu có, cúng dường nhiều tiền nên thầy thả cho Ninh tha hồ tự tung tự tác”. Tôi ức, lầm lì không nói, thầy cũng không quở. Tính thầy rất nghiêm, không mấy khi la rầy mà đồ đệ ai nấy tuân lời răm rắp. Chỉ riêng với tôi, không hiểu sao thầy đặc biệt khoan thứ. Sợ thầy phạt, đợi lúc sắp vào tụng kinh, tôi biện bạch: “Bạch thầy, ngày xưa cha con thường bảo: tu trên núi dễ, tu giữa chợ mới là khó. Không ở giữa đời làm sao hiểu đời ¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿c mà tránh?”. Thầy hỏi: “Ai bảo con là đời ¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿c? Ðời không ¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿c, không trong”. Tôi hụt hẫng, không hiểu ý thầy định nói gì?

Tu trên non bây giờ thật ra cũng không phải dễ. Thầy tôi tránh đời vào núi sâu, nhưng rồi vườn lan Mây Biếc nổi tiếng quá nên người trần lại kéo lên thưởng ngoạn. Thứ bảy, chủ nhật, học trò đạp xe lác đác trắng trên con đường mòn tới thảo am. Mấy cô nữ sinh nhỏ tuổi mê hoa ngẩn ngơ ngắm bông súng tím trong hồ, chạy vào đến tận hiên, chỗ thầy ngồi viết sách. Thầy không quở, cũng không ngẩng lên nhìn. Một cô bé chạy đến gần tôi, nhìn làn sương li ti mà tôi đang xịt lên những chồi đang đơm nụ. Cô hỏi tôi tên hoa, tôi giảng: “Ðây là giống Tiểu Hồ điệp, nghĩa là bươm bướm nhỏ. Em thấy không, trông xa chấp chới như đàn bướm cải mầu vàng”. Cô chìa hai bàn tay với những ngón ¿¿p măng, hứng sương. Tôi cau mày: “Này, đừng nghịch”. Cô bé cứ đùa với những bụi nước, chẳng để ý lời tôi. “Anh cứ tưới đi, em cũng là Lan”. Tôi cáu, xịt cho nước rơi ướt cả tóc, cả áo cô bé. Mấy cô bạn cười rúc rích, khi về có cô còn nói vọng lại: “Con Lan hên quá, gặp chú tiểu vừa đẹp trai, vừa quậy”. Tôi tủm tỉm cười. Sư huynh tôi cáu kỉnh: “Mấy con Thị Mầu đời nay quá quắt lắm. Bay không biết quyến rũ sư tăng là tội đọa địa ngục hử?”. Tôi cự: “Người ta chỉ đùa thế, có gì mà gọi là quyến rũ”.

Từ đó, vài ba hôm một lần, Lan lại đến giúp tôi tưới hoa. Tôi dạy cho cô biết về phong lan, đấy là cả một thế giới còn đa dạng hơn thế giới người. Phượng Vĩ đỏ rực, Tuyết Ðiểm thì trắng, Vũ Nữ thì như đang múa trước gió. Lan phụng phịu: “Hoa nào cũng có tên riêng, chỉ em không có”. Tôi nhìn khuôn mặt cô, đôi mắt trong trẻo với cái miệng cười hồn nhiên như trẻ thơ. “Vậy tôi đặt cho cô một cái tên. Tên cô là Tinh Khôi”.

Thầy biết tình thân giữa tôi và Lan. Sư huynh không vui lòng, thầy chỉ bảo: “Không can gì”. “Bạch thầy, người này có bạn thì người kia có bạn, rồi con gái kéo đến đầy thảo am, còn cái thể thống gì nữa?”. Thầy gật đầu. Chiều lại, tôi mài mực hầu thầy, thầy đem cho tôi xem bộ tranh mười bức vẽ mục đồng chăn trâu: “Ðây là thập mục ngưu đồ, cũng là quá trình tu học của một con người. Trâu không là trâu, mà chính là cái tâm ta đó”. Tôi động lòng, hỏi: “Bạch thầy, con xem bức vẽ cuối cùng, không còn trâu chẳng còn người, chỉ còn trăng soi. Vậy cớ gì phải sống trong dây trói. Ngày xưa Tuệ Trung Thượng Sĩ là bậc ngộ đạo mà không kiêng rượu thịt, vì chay mặn chỉ là hình tướng bên ngoài, không can hệ đến sự giác ngộ bên trong”. Thầy cười: “Ðúng, con ạ, với bậc đắc đạo là thế. Nhưng khi ta còn là một người phàm, thì cũng như con trâu kia, phải có sợi dây buộc, có người chăn dắt. Ðến khi cái tâm vững rồi, sáng rồi mới có thể như trâu đen thành trâu trắng, không ràng không buộc, chẳng những nhởn nhơ trên cỏ xanh mà còn bay lên đến chín tầng mây”. Tôi vái thầy mà thưa: “Con hiểu rồi, nhưng nhà chùa chẳng thể xua đuổi ai. Từ mai con xin thôi không giữ vườn lan nữa”.

Mấy hôm sau, Lan thấy sư huynh ra tưới vườn, còn tôi thì chẻ củi. “Anh không thích phong lan nữa sao?”. “Không. Muôn hồng nghìn tía, chẳng qua cũng chỉ để nhìn trong chốc lát. Một đời tôi chỉ riêng nhớ hoa hoàng lan”. Tôi giảng cho cô bé biết hoa hoàng lan cánh mảnh mai, vàng như mầu chim hoàng yến. Thuở trước, cứ sắp rằm, mồng một, các bà hàng hoa lại đến mua, họ gói hoa trong lá chuối, từng gói nhỏ xinh xinh tỏa thơm ngây ngất. Lan bảo: “Thích ghê, em chưa thấy bao giờ”. Ừ, loài cây ấy có lẽ giờ đây đã tiệt giống rồi hay sao, nhiều lần theo sư huynh đi chợ mua bông chuối, tôi để ý tìm mà không thấy nữa. Tôi lớn lên lòng bâng khuâng như thiếu vắng một thứ gì, cứ mơ hồ nhớ nhớ, thương thương…

Cuối năm, anh em tôi kẻ kéo, người đẩy, chở phong lan xuống phố đổi gạo. Ông chủ tịch hội hoa cảnh hài lòng lắm khi thấy những giò mũm mĩm với chồi xanh đầy nụ. Ba bao gạo lớn được bưng ra. “Cha ơi, con có làm một ít bánh trái cây để cúng dường”. Tôi nghe tiếng quay lại, sững người vì thấy Lan. Ông chủ tịch âu yếm bảo: “Cúng dường thì phải cung kính. Con phải tự lên chùa lạy Phật mà dâng”. Tôi hãi hồn, vội nói: “Thôi thôi, khỏi phiền nữ thí chủ. Nhận ngay ở đây”. Lan bật cười, lại cái cười tinh khôi. Rồi Lan nhìn tôi buồn thiu: “Sao lâu nay anh không ra vườn? Em lên chùa, biết anh trong bếp mà mấy chú không cho vào. Riết rồi em buồn không muốn đến nữa”.

Mấy buổi sau, tôi theo các bạn cùng lớp vào quán. Lan ngồi ở đó, sau chiếc bàn con bên cửa sổ. Các bạn tôi ai cũng nhìn về phía Lan còn cô bé chẳng nhìn ai, cứ lặng lẽ một mình. Ngồi ở một bàn xa mà tôi như thấy cả bầu trời hoàng hôn tím, tím ngát ngoài kia đang in trong đôi mắt Lan. Mãi đến khi chúng tôi ra về, Lan mới ngoái nhìn, ánh mắt thơ ngây mà não nùng. Bỗng dưng đỏ mặt, rồi tôi thấy hoảng sợ vì mình đã đỏ mặt…

Một người con gái chiều nào cũng ngồi ở quán Tím, chẳng bao lâu đã thành đề tài để bọn con trai bàn tán.

“Con Lan sữa tươi trông xinh vậy chứ nó mắc bệnh, bệnh sợ đàn ông. Ðếch thằng nào đến gần được, nó tránh như tránh tà”. “Không phải đâu, nó giữ giá để chờ lấy Việt kiều, thằng Hùng ở Cali về ngày nào cũng trực ở nhà nó”. “Giữ giá cái gì, nó ưa thằng Quắn chạy bàn ở cà-phê Tím. Tao thấy nó ngồi một bàn với thằng Quắn, khóc rưng rức”. Tôi im lặng, một lát sau mới bảo: “Khó tin”. “Ở đời chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra” Bạn tôi nói, vẻ ông cụ non – Chiều qua chính mắt tao thấy nó chạy ra sau quầy đưa bức thư cho thằng Quắn”.

Ðạp xe về đã đến quá lăng Tự Ðức, tự nhiên tôi bứt rứt không chịu được. Tôi quay xe, đạp về nhà Lan. Mưa phùn lướt thướt trên con đường về Bao Vinh xa tắp. Mẹ Lan hỏi: “Nhà chùa có việc gì mà nhắn cháu lên? Thấy Quắn về nhắn, tôi cho cháu đi ngay rồi”. Tôi tái mặt, không kịp chào, đạp xe đi như tên bắn. Tim tôi dội thình thịch vì âm vang những lời của sư huynh khi Lan mới lên thảo am lần đầu: “Cô gái này đẹp đẽ thanh tú nhưng đuôi mắt dài quá, môi mỏng, cổ cao, tai nhỏ. Ðấy là tướng hồng nhan mệnh yểu…” Trời nhập nhoạng tối, tới Nam Giao. Nhìn dáo dác hai bên đường, tình cờ thấy Quắn và Lan cùng ngồi trong quán ốc. Quắn gọi rượu, đang ép Lan uống. Lan lắc đầu. Quắn cố nài. Tôi đi vào, đấm mạnh vào mũi Quắn. “Ðồ lừa đảo. Từ nay chừa cái thói dỗ gái đi”. Quay sang Lan, tôi nạt “Ði về!”. Không biết Lan có bị một thứ thuốc mê gì không, mặt ngây ngây như bị bỏ bùa. Tôi chở Lan đi. Quắn biết tôi có võ Thiếu lâm nên đành chịu phép, hậm hực, chùi máu mũi nhìn theo, cái nhìn của con thú mất mồi…

Trên đường về, Lan tỉnh lại, gục mặt vào lưng tôi khóc: “Em nhờ Quắn chuyển đến anh nhiều thư, anh có nhận được không?”. Tôi cau mặt: “Em khờ lắm, sao lại đi với thằng Quắn?”. “Quắn bảo em uống vài chén cho ấm rồi lên đàn Nam Giao chờ Ninh đến”. “Em đừng quên, tên em là Tinh Khôi. Ðừng dại dột để bọn lưu manh làm nhơ bẩn”. Nước mắt Lan chảy thấm qua chiếc áo lam của tôi, thấm vào đến da thịt. Dừng xe, tôi ngồi xuống vệ cỏ bên đường. Lan ngồi bên tôi. “Ðêm nào cũng nằm mơ thấy anh dắt em đi thăm vườn phong lan. Mình về trồng lan trong sân nhà em đi, có thích hơn không?”. Tôi không trả lời, ngắt những cọng cỏ, vò nát trong đôi tay run run. Trên kia, trăng sáng quá, tròn và rực rỡ như chiếc mâm vàng giữa trời. Bỗng nhiên lòng tôi miên man nhớ những câu chuyện cha tôi vẫn kể ngày xưa… “Em có thích nghe chuyện cổ tích không?”. “Thích”. Tôi kể cho Lan nghe chuyện người tử tù đội chiếc mâm vàng đầy nước đi từ cổng hoàng cung vào trước ngai vua mà không sánh ra ngoài một giọt, Lan nghi ngờ: “Sao có người làm được như thế?”. Tôi gật đầu: “Ngày ấy, nhà vua cũng đã hỏi như vậy. Vị thiền sư trả lời: “Bệ hạ đã hứa nếu y làm được thì sẽ tha tội chết. Vì lẽ sống chết của y, nên dù việc khó vô cùng mà y vẫn chăm chăm làm bằng được. Nay nếu bệ hạ cầu giải thoát cũng như người này cầu sống, thì việc tu hành dù khó mấy cũng có thể vượt qua”. Lan ngước nhìn tôi, lần đầu tiên tôi nhận ra trong hai cái giếng êm như nhung của mắt cô bé những tia sáng ương ngạnh lạnh lùng. “Em hiểu rồi. Anh xem tu hành là chuyện sinh tử của anh. Vậy nếu em lại xem anh là chuyện sinh tử của em thì sao? Anh và em, ai đi trọn đường, ai bỏ cuộc?”. Tôi bảo: “Em nói gì thế? Chuyện sống chết mà nghe cứ như là trò chơi sấp ngửa của trẻ con”. Lan cười… Bàn tay nhỏ nắm lấy tay tôi, ngón thon vuôn vuốt như cánh hoa ngậm sữa. Vẻ đẹp này có phải phù du? Vẻ đẹp này là sắc hay là không? Chỉ thấy ngợp vì trăng. Trăng sáng quá. “Thôi, về đi em”. Tôi đạp xe, trước mặt tôi chập chờn lấp lóa những con đường. Những mê lộ giữa đạo và đời, giữa ma và Phật…

Việc lộn xộn ở quán ốc chẳng mấy ngày đã đồn đến chùa. Cô tôi biết, tốc lên ngay. Tôi bảo: “Cô đừng lo. Chẳng có chuyện gì đâu”. “Không có lửa, sao có khói, ¡n ốc, đánh lộn, giành gái. Thế còn gì là tu hành? Tau mà gặp con ma nữ đó, tau tước từ dưới tước lên”. Tôi ngẩn người một lúc rồi hiểu ra, không nín được cười. Cô bực tức: “Cháu tưởng chuyện gì cũng cười là xong sao?”

Quả là chuyện không thể cười mà xong. Mấy hôm sau, gia đình Lan mời tôi về.

“Con ma nữ” đã uống hai mươi viên thuốc ngủ, may sao nhà biết được chở đi cấp cứu. Mẹ Lan chắp tay lạy tôi như lạy Bồ Tát: “Bác biết tính con Lan lắm, từ nhỏ nó đã nói là làm, đã làm là làm tới cùng. Sợ e cứu thoát lần này, nó lại tự sát lần nữa. Con cứu nó cho bác đi con”. Tôi cuống quýt: “Bác bảo con làm sao được?”. Con cứ giả vờ ừ đi, bây giờ nó mới lớn, tính còn ngông cuồng, vài ba năm nữa chững chạc rồi tự nhiên nó hiểu ra”. Ông chủ tịch hội hoa cảnh mắt đỏ au, nhìn tôi chờ đợi một lúc rồi bảo vợ. “Nói như bà cũng khó. Chú Ninh đây tướng mạo khôi ngô, trước sau rồi sẽ có phước được che lọng vàng. Lẽ nào vì con mình mà để người ta mang tai mang tiếng”. Tôi thở dài: “Cháu đi tu không phải là mong lọng vàng che đầu. Chỉ vì nguyện giữ thân trong sạch để tụng cho mẹ cháu một nghìn lần kinh Thủy Sám”. Nhớ tới mẹ, tôi bất giác đau đớn trong lòng, đứng dậy đi…

Tôi về chùa, từ ấy không đi đâu. Thầy bảo: “Sao con bỏ học?”. Tôi nói: “Suối ở xa, con muốn ra triền núi đào giếng”. Tôi tự đày mình trong những nhát cuốc trên sỏi đá, đêm về tụng kinh, vẫn đôi khi chợt nghe tiếng mình khắc khoải. Có lúc nửa đêm chợt tỉnh, thấy thầy ngồi bên giường, lâm râm niệm chú. Tôi hốt hoảng vùng dậy: “Bạch thầy”. Thầy tôi bảo: “Con giật mình, nói mê luôn, hất tung cả chăn”. Tôi nói: “Con tỉnh rồi. Rước thầy đi nghỉ, con xin ra bệ Phật niệm Cầu An”. Thầy lặng lẽ một lúc, rồi bảo tôi: “Tâm không an, có cầu cũng vô ích”. Tôi gật đầu thú nhận. Bao nhiêu đêm, cứ chợp mắt là thấy Lan hiện ra, mảnh dẻ, thanh thoát, đầu đội chiếc mâm vàng sóng sánh nước đi thẳng đến bờ vực. Tôi nghe tiếng thét của nàng vang động cả giấc mơ, nàng nhào xuống rơi thẳng vào không gian mênh mông như chiếc lá lìa cành trước gió. “Thầy ơi, nếu vào Niết bàn mà phải đạp lên một chiếc lá, Phật có làm không? Xin thầy cho con hay, trời đất nặng hơn hay chiếc lá nặng hơn?”. Thầy nhìn vào mắt tôi: “Chỉ có con tự trả lời được thôi. Ngày mai con hãy về, cứ nhìn thẳng vào nghiệp duyên mà tự quyết định lòng mình”. Tôi lắc đầu: “Thầy quên sao? Con đã thề khi nào đào xong giếng mới xuống núi”.

Ra xuân, đường lên núi khô ráo. Hai tay tôi ướt bùn đỏ, những giọt nước đầu tiên đã ứa ra từ lòng đất sâu. Tôi chạy về chùa, định vào trình thầy nhưng người đang làm lễ. Có người thí chủ dâng hương trong bệ Phật, mùi trầm mới thơm thơm trong không gian.

Ðang dội nước rửa tay, tôi nghe có người bước đến. “Chú Ninh!”.

Tôi ngẩng lên. Mẹ của Lan. “Bác lên chùa cầu cho em đi bình an. Có cái này, em nó gửi lại…”. Bà đưa cho tôi một cái túi nhỏ, rồi vừa quay đi vừa đưa khăn lau mắt.

Những dòng chữ trong thư, mảnh mai và run run như những cánh lan.

“Bốn trăm ngày chờ anh ở quán Tím, cuối cùng em cũng hiểu ra là mình thua cuộc. Ðã đi mà chẳng tới, lẽ ra thì phải chết. Nhưng em chết thì anh làm sao yên lòng đi trọn con đường tu. Vì vậy, em đã quyết định lấy chồng xa xứ. Trong cái túi này là cây hoàng lan con, em nguyện tìm cho anh bằng được rồi mới ra đi. Em vẫn nhớ lời anh nói, một đời anh chỉ thích hoàng lan…

Người ta cứ bảo là em khôn, lấy ông Việt kiều đi Tây đi Mỹ cho sướng chứ theo chi chú tiểu trọc đầu. Nhưng đi Tây đi Mỹ không phải là chí nguyện của em. Lấy một người mình không thương, đến một nơi xa lạ với em còn khổ hơn là chết. Xin anh hãy tụng cho em một lần kinh cầu siêu thoát, một lần thôi…”.

Bất giác, tôi òa khóc. Nước mắt theo nhau lăn trên má tôi như ép cho hết những dòng tục lụy cuối cùng. “Cứ khóc đi con” – Thầy vỗ về khi thấy tôi luống cuống che mặt – Thầy chưa nghe nói gỗ đá thành Phật bao giờ”. Tôi nức nở: “Bạch thầy, thầy có cho con trồng cây hoàng lan không?”

Thầy bảo: “Cỏ cây vô tội, sao mình không thể bao dung?”. Rồi một tay dắt tôi, một tay cầm túi cây đến bên góc vườn, thầy tự mình trồng xuống.

Tôi tưới cây bằng nước giếng chùa. Hoàng lan lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian.

Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ.

St

Như đến hẹn lại lên, từ tháng 7 âm lịch, vùng đồng bằng nam bộ, nước lại “nhảy khỏi bờ” mà người ta quen gọi “mùa nước nổi”. Mùa nước nổi khiến cho người dân bao long đong, vất vả, nhưng bù lại, như một sự tạ lỗi, mùa nước nổi cũng đem đến cho con người bao sản vật tự nhiên, cho đất đai bao phù sa màu mỡ. Và cho con người đong đầy những kỷ niệm tuổi thơ, những kỷ niệm đời người.

Lũ về, con lại ở nơi xa…

Chiều, chiếc radio nhỏ phát đi chương trình “Quà tặng âm nhạc”. Có người bạn phương xa yêu cầu bài hát “ Chiều nước lũ”. Từng thanh âm vang lên. Lòng quặn thắt nỗi nhớ da diết. Quê mình lại vào mùa lũ, “mùa nước nổi”…

Tam Quan của tôi lũ không nhiều. Nhưng hầu như năm nào cũng có một cơn lũ lớn. Lũ từ thượng nguồn Lại Giang đổ về. Lũ từ các con suối trên cao đổ xuống. Trên đường đi ra biển, con lũ chỉ dừng lại ở một thời khắc ngắn mà để lại nỗi đau dai dẳng khôn nguôi…Lũ lịch sử năm 86, nước ngập mái nhà. Ba bồng con trên vai dò dẫm về nhà nội. Nước ngang cổ ba. Má chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo. Lũ cuốn đi sạch sẽ. Ký ức tuổi thơ chỉ còn lại một màu nước bàng bạc, đùng ¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿c. Thứ màu sắc loang loáng giấc mơ những đêm dài mưa lũ trong căn nhà tranh lỗ chỗ lá tranh lá nứa.

Mười ba năm sau, khi cơn lũ tràn về lúc nửa đêm, ba má tất tả kê, vội vã dọn. Đồ đạc cứ dồn dần từ thấp lên cao, cuối cùng chỉ còn khoảng không chưa đầy hai mét vuông khô ráo cho tất cả những gì thiết yếu nhất. Đàn gà tao tác trên mái nhà. Mấy trái dừa khô lập lờ theo dòng nước lũ, bất thần theo dòng xoáy biến mất giữa khoảng không mênh mông. Căn nhà nhỏ rung lên bần bật. Ba má con ôm nhau nhìn cơn lũ thủng thỉnh đi qua. Tay chân má trắng bã, mắt người trũng sâu.

Không như những đứa trẻ đồng trang lứa luôn háo hức khi được nghịch nước, tôi chưa bao giờ thích lũ. Mỗi cơn lũ là một hung thần tàn phá tất cả mọi thứ trên đường chúng đi. Và tôi, một đứa trẻ đi qua những mùa lũ đã kịp nhận ra những nỗi đau đè nặng lên chút niềm vui trẻ thơ. Những cánh đồng ngập nước. Những thân dừa ngả nghiêng, tàu dừa tơi tả. Những nếp nhà tranh chỉ còn là cái nóc thấp tè trong cơn lũ.

Tôi lớn lên từ những lo toan nhọc nhằn của má. Đã lội qua biết bao cơn lũ để đến trường. Con chữ nhọc nhằn lênh đênh. Rồi tôi đi xa. Xa căn nhà nhỏ, xa ngôi làng nghèo khó, xa cả những mùa lũ với bao âu lo… Tôi ra đi với ao ước cháy bỏng: kiếm đủ tiền để xây cho má một nếp nhà cao ráo, cứng cáp để má yên tâm nằm ngủ mỗi khi mùa lũ về. Tôi lao vào đời như bao đứa trai miền trung khác, luôn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn gian khổ. Nhưng, đã qua bao mùa lũ, tôi vẫn chưa thực hiện được cái khát khao rất gần mà cũng rất xa vời đó.

Mấy mùa lũ qua… Một mình má cô đơn. Một căn nhà cột kèo kẽo kẹt. Một dấu chấm nhỏ gầy giữa biển nước bao la. Chiều nay, tin lũ lại về. Tôi thẫn thờ nhìn về phía trời xa. Bỏ mặc tất cả, tôi lao ra bến xe. Chuyến xe cuối ngày rời bến trong cơn mưa dai dẳng. Những giọt nước chảy dài trên cửa kính ôtô. Vâng, con sẽ về. Con sẽ về chống lại cái cột, giằng lại cái nóc, chặt bớt những tàu dừa gần nhà.Và con sẽ kéo cho má tấm chăn mềm để người không còn lạnh lẽo lúc nửa đêm khi cơn lũ tràn về.

St

Đêm trăng mùa lũ. Những nấm mộ loi thoi giữa dòng nước ¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿¿c ngầu. Ánh trăng lấp lóa phản chiếu trên mặt nước những vệt sáng lân tinh ma quái. Tôi áp tai vào mạn thuyền nghe tiếng nước chảy róc rách. Lũ nhấn chìm ngôi mộ ông ngoại tôi mới chôn ba ngày.

Trăng mùa lũ buồn tê tái. Tôi chợt nghe văng vẳng giọng mình: “Ông ngoại ơi! Ở cõi âm ông có lạnh lắm không?”. Đâu đây nước róc rách: “Lạnh lắm!”. Tôi giật mình choàng tỉnh. Trăng vẫn thản nhiên sáng vằng vặc, tròn vành vạnh.

Má tôi ngồi trước hiên nhà, chậm rãi đưa khăn rằn chấm nước mắt nói: “Tội nghiệp ông ngoại con. Chết giữa mùa lũ coi như phải chết hai lần…”. Tôi ngẩn ngơ nhìn ngấn lũ trên bức tường loang lỗ nói: “Con thấy tội nghiệp cu Tý. Lũ về nó không còn chỗ để chơi…”.

Ba tôi trầm tư hút thuốc và cất giọng trầm lắng: “Lũ về, bao nhiêu tiền của bị mất trắng. Người ta cứ hô hào sống chung với lũ mà không hiểu rõ là phải sống chung như thế nào. Chẳng lẽ chỉ có đắp đê bao ngăn nước mà gọi là sống chung với lũ?”. Ba tôi nói thầm như đang độc thoại. Lát sau, ông lại chuyển sang chuyện khác. Ba kể rằng cách đây hai mươi năm, ba má đi chài cá giữa mùa lũ.

Đêm ấy, trăng hắt những quầng sáng nhợt nhạt xuống mặt nước. Lưới bị vướng vào khối gỗ lớn. Ba phóng xuống nước, bơi lại để gỡ, chợt điếng hồn khi nhận ra chiếc quan tài vàng chóe còn hăng hăng mùi gỗ. Ba hốt hoảng quăng cả lưới, bơi lại xuồng và vội vã cùng má về nhà. Mấy ngày sau ba má mới biết đó là quan tài của một đứa trẻ bị chết đuối giữa mùa lũ. Nấm mộ vừa chôn được mấy ngày thì quan tài bị nước cuốn trôi. Kể từ lần đó, ba má tôi không dám bơi xuồng đi chài cá vào đêm trăng mùa lũ nữa.

Ba cùng tôi bơi xuồng sang thăm ông Tư hàng xóm. Ông Tư quê ở miền Trung, sống trong căn nhà lá nhỏ, không vợ con, suốt ngày thui thủi một mình. Ngồi vắt vẻo trên những thanh gỗ bắc ngang cửa, ông Tư nhắp cạn ly rượu và khề khà: “Người ta nói cáo chết ba năm quay đầu về núi. Tui không sợ chết nhưng tui sợ mùa lũ. Tui sợ lũ cuối trôi quan tài, linh hồn tôi không quay về quê được…”.

Ông Tư sống ở xóm này đã hơn bốn mươi năm. Ông không có miếng đất cắm dùi, chỉ làm thuê làm mướn sống qua ngày. Ba tôi bảo: “Anh Tư sống vậy mà khỏe, không có gì ràng buộc. Muốn sống thế nào cũng được…”. Ông Tư rót đầy ly rượu, cười khùng khục: “Tui nhớ quê hương miền Trung lắm.

Xóm này là quê hương thứ hai của tui. Anh Hai biết không, tui bị đẻ rơi ngoài đồng. Mẹ tui lấy chiếc áo thợ cấy bọc tui đem về nhà. Lớn lên tôi cứ bị ám ảnh bởi cái mùi của bùn non…”. Ông Tư lần bước đến bên bàn thờ, lấy chiếc hộp sắt tây gỉ sét, mở nắp nhìn chăm chăm vào bên trong và nói: “Anh có biết cái gì ở trong này không?”. Ba tôi hỏi: “Vàng hay gì vậy anh Tư?”. Ông Tư cười, chậm rãi nói: “Báu vật đó”.

Ông Tư nghiêng chiếc hộp sát vào mũi và hít lấy hít để. Gương mặt ông thanh thản như chìm đắm vào thế giời của hoài niệm. Lát sau, ông Tư đưa chiếc hộp cho ba tôi và thì thầm: “Đất quê hương tui đó. Trước khi rời quê hương vào Nam, tui lấy nắm đất trước hiên nhà bỏ vào chiếc hộp sắt tây mang theo. Bao năm qua tôi giữ chiếc hộp này như báu vật. Tui không hiểu tại sao lại nhớ cái mùi đất quê hương như vậy. Có lẽ do khi bị đẻ rơi ngoài đồng tôi đã được ngửi mùi bùn ngai ngái…”.

Ông Tư nốc cạn ly rượu, cất giọng nghèn nghẹn: “Mai này tui có mệnh hệ gì chắc phải nhờ anh Hai giúp. Tui muốn được hỏa thiêu. Anh nhớ trộn nắm đất quê hương trong chiếc hộp này với tro của thân xác tui. Anh nhớ giúp tui thả tro xuống sông để nước cuốn trôi… Hồn tôi sẽ quay về quê hương”. Ba tôi khề khà: “Anh còn khỏe mà anh Tư. Anh đừng nói chuyện gở. Ý nguyện của anh tôi sẽ thực hiện. Thôi! Bây giờ mình uống rượu đi…”. Ông Tư trầm ngâm một lát và nói: “Tui hiểu sức mình mà anh Hai. Cuối cùng, đời người chỉ còn nhúm tro màu trắng. Dù thế nào cũng phải có tấm lòng với quê hương…”.

Ba ngày sau ông Tư bị trúng gió và lặng lẽ ra đi. Ba tôi và bà con hàng xóm đã làm đúng tâm nguyện của ông Tư. Nắm đất quê hương được trộn với bình tro lấy từ lò thiêu và rải xuống dòng sông. Tôi thầm mong ở thế giới bên kia linh hồn ông Tư sẽ quay về với mảnh đất quê hương.

St

Vào ngày cưới của tôi, tôi đã ôm vợ trên đôi tay của mình. Xe đưa dâu dừng tại trước tổ uyên ương của chúng tôi. Đám bạn thân của tôi nhất quyết bắt tôi phải đưa nàng ra khỏi xe trên đôi tay của mình.

Do vậy, tôi đã bế nàng vào nhà. Lúc đó, nàng là một cô dâu tròn trĩnh và e thẹn, còn tôi là một chú rể rất sung sức và tràn trề hạnh phúc.

Nhưng đó là cảnh của mười năm trước. Những chuỗi ngày sau đó cũng giản dị như một cốc nước tinh khiết: chúng tôi có con, tôi bước vào thương trường và cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Khi của cải trong gia đình chúng tôi mỗi lúc một nhiều hơn cũng là lúc tình cảm giữa hai chúng tôi suy giảm dần.

Vợ tôi là một công chức nhà nước. Mỗi sáng chúng tôi cùng ra khỏi nhà với nhau và hầu như về nhà cùng một lúc. Con chúng tôi thì học tại một trường nội trú. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi nhìn bề ngoài hạnh phúc đến nỗi nhiều người phải ganh tị. Nhưng thật ra cuộc sống yên ấm đó gần như bị xáo trộn bởi những đổi thay không ngờ…

Dew đã bước vào cuộc đời tôi.

Đó là một ngày đầy nắng. Tôi đứng trước một ban công rộng lớn. Dew ôm vòng sau lưng tôi. Con tim tôi, một lần nữa, lại đắm chìm trong dòng suối yêu đương cùng nàng. Đây là căn hộ tôi mua cho cô ấy.

Dew nói: “Anh là mẫu đàn ông có sức cuốn hút với đàn bà nhiều nhất”. Câu nói của Dew đột nhiên nhắc tôi nhớ đến vợ mình. Hồi chúng tôi mới cưới, nàng nói: “Mẫu đàn ông như anh, khi thành đạt sẽ rất quyến rũ với phụ nữ”. Nghĩ đến lời nói đó của vợ mình, tôi thoáng do dự. Tôi hiểu mình đang phản bội lại nàng. Nhưng tôi đã không thể cưỡng lại chính mình.

Kéo tay Dew sang một bên, tôi nói: “Em đi mua mấy món đồ nội thất nhé? Anh có vài việc phải làm ở công ty”. Hiển nhiên là nàng thất vọng rồi bởi vì tôi đã hứa sẽ cùng đi với nàng. Ngay lúc ấy, ý nghĩ phải ly hôn xuất hiện trong tâm trí tôi mặc dù trước đây ly hôn là một điều tưởng chừng không thể.

Nhưng tôi nhận ra khó mà mở lời với vợ về chuyện này. Cho dù tôi có đề cập nó một cách nhẹ nhàng đến đâu chăng nữa, cô ấy chắc chắn sẽ bị tổn thương sâu sắc.

Công bằng mà nói, cô ấy là một người vợ tốt. Tối nào, cô ấy cũng bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối, trong khi tôi ngồi phía trước màn ảnh TV. Bữa ăn tối thường xong sớm. Sau đó, chúng tôi cùng xem TV. Không thì, tôi lại thơ thẩn bên máy tính, mường tượng thân thể của Dew. Đó là cách tôi thư giãn.

Một ngày nọ, tôi nửa đùa nửa thật nói với vợ tôi, “Giả dụ chúng ta phải ly hôn, em sẽ làm gì?”. Cô ấy nhìn chằm chặp tôi phải đến vài giây mà không nói lời nào. Hiển nhiên cô ấy tin rằng ly hôn là một cái gì rất xa vời với cô ấy. Tôi không hình dung được vợ tôi sẽ phản ứng thế nào một khi biết rằng tôi đang nói nghiêm túc về chuyện đó.

Luc vợ tôi bước vào phòng làm việc của tôi ở công ty thì Dew cũng vừa bước ra. Hầu như tất cả nhân viên ở văn phòng tôi đều nhìn vợ tôi với ánh mắt ra chiều thông cảm và cố giấu giếm chút gì đó khi nói chuyện với nàng. Vợ tôi dường như có nghe phong phanh vài lời bóng gió. Cô ấy chỉ mỉm cười dịu dàng với đám nhân viên, nhưng tôi đọc được nỗi đau trong đôi mắt ấy.

Một lần nữa, Dew lại nói với tôi: “Ninh, anh ly dị cô ấy đi? Rồi chúng mình sẽ cùng chung sống với nhau”. Tôi gật đầu. Tôi biết mình không thể chần chừ thêm được nữa.

Khi vợ tôi dọn ra bàn chiếc dĩa cuối cùng, tôi nắm lấy tay cô áy. “Anh có điều này muốn nói với em”, tôi nói. Cô ấy ngồi xuống, lặng lẽ ăn.

Tôi lại nhìn thấy nỗi đau trong đôi mắt nàng. Đột nhiên, tôi không biết phải mở miệng như thế nào. Nhưng tôi phải nói cho cô ấy biết những gì tôi đang suy nghĩ thôi. “Anh muốn ly hôn”. Cuối cùng thì tôi cũng đặt vấn đề hết sức nặng nề này một cách thật nhẹ nhàng.

Cô ấy tỏ ra không khó chịu lắm với lời tôi nói mà chỉ hỏi nhỏ “Tại sao?”. “Anh nói thật đấy”, tôi tránh trả lời câu hỏi của cô ấy. Cái gọi là câu trả lời của tôi đã khiến cô ta giận dữ. Cô ấy ném đôi đũa đi và hét vào mặt tôi “Anh không phải là đàn ông!”.

Đêm đó, chúng tôi không nói chuyện với nhau. Cô ấy khóc lóc. Tôi hiểu cô ấy muốn biết chuyện gì đã xảy ra với cuộc hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi khó đưa ra được câu trả lời thỏa đáng bởi vì trái tim tôi đã nghiêng về Dew.

Trong tâm trạng tội lỗi tột cùng, tôi thảo đơn ly hôn ghi rõ cô ấy sẽ sở hữu căn nhà, chiếc xe hơi và 30% cổ phần trong công ty tôi. Nhìn lướt qua tờ đơn, cô ấy xé nó ra từng mảnh. Tôi cảm thấy tim mình đau nhói. Người phụ nữ chung sống với tôi suốt mười năm nay bỗng trở nên xa lạ chỉ trong một ngày. Nhưng, tôi không thể rút lại những lời đã nói.

Cuối cùng, điều tôi mong đợi đã đến. Cô ấy òa khóc trước mặt tôi. Tiếng khóc của cô ấy thực sự là liều thuốc an thần cho tôi. Ý định ly hôn dằn vặt tôi suốt nhiều tuần qua giờ đây dường như càng trở nên rõ rệt và mạnh mẽ.

Trời khuya, tôi về nhà sau tiệc chiêu đãi khách hàng. Tôi nhìn thấy vợ tôi đang cắm cúi viết tại bàn làm việc. Tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm, tỉnh giấc, tôi thấy cô ấy vẫn ngồi viết. Tôi trở mình và ngủ tiếp.

Vợ tôi đưa ra điều kiện ly hôn: Cô ấy không cần bất cứ thứ gì của tôi, nhưng tôi phải cho cô ấy thời gian một tháng trước khi chính thức ly hôn; và trong thời gian một tháng đó, chúng tôi phải sống với nhau một cuộc sống bình thường. Lý do chỉ đơn giản vì: tháng sau con trai của chúng tôi sẽ kết thúc kỳ nghỉ hè và cô ấy không muốn nó phải chứng kiến cuộc hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ.

Cô ấy đưa cho tôi thư thỏa thuận cô ấy soạn sẵn và hỏi: “Anh còn nhớ em đã vào phòng cô dâu trong ngày cưới như thế nào không?”.

Câu hỏi này chợt làm sống tại trong tôi tất cả những kỷ niệm tuyệt vời ngày ấy. Tôi gật đầu và nói: “Anh còn nhớ”.

“Lúc đó, anh đã bế em trên đôi tay của anh”, cô ấy tiếp tục, “do vậy, em có một yêu cầu là anh phải bế em ra vào ngày chúng ta ly hôn. Từ giờ đến hết tháng này, anh phải bế em từ giường ngủ đến cửa nhà mình vào mỗi sáng”. Tôi mỉm cười đồng ý. Tôi biết cô ấy đang nhớ lại những chuỗi ngày ngọt ngào hạnh phúc và muốn cuộc hôn nhân của mình kết thúc lãng mạn.

Tôi kể cho Dew nghe về điều kiện ly hôn của vợ mình. Cô ấy cười to và cho rằng đó là một yêu cầu ngu xuẩn. “Cho dù cô ta có đưa ra mánh khóe gì chăng nữa, thì vẫn phải đối mặt với kết cục ly hôn mà thôi”, cô ấy nói một cách khinh bỉ. Lời nói đó của Dew ít nhiều khiến tôi cảm thấy khó chịu.

Vợ tôi và tôi đã không đụng chạm gì về thể xác kể từ khi tôi có ý định ly hôn. Chúng tôi đối xử với nhau như hai người xa lạ. Vì vậy ngày đầu tiên tôi bế cô ấy, cả hai chúng tôi tỏ ra khá lóng ngóng, vụng về. Đứa con trai vỗ tay theo sau chúng tôi: “Cha đang ôm mẹ trên tay”. Lời nói của con trẻ làm tim tôi đau nhói. Từ phòng ngủ đến phòng khách, sau đó mới đến cửa ra vào, tôi đã đi bộ trên mười mét với cô ấy trên tay. Cô ấy nhắm mắt và nói nhẹ nhàng, “Chúng ta sẽ bắt đầu từ hôm nay đừng nói gì cho con hay”. Tôi gật đầu và cảm thấy chút gì đổ vỡ. Tôi đặt cô ấy xuống ở cửa ra vào. Cô ấy đứng đó chờ xe buýt, còn tôi lái xe đến công ty.

Vào ngày thứ hai, chúng tôi “diễn” dễ dàng hơn. Cô ấy dựa vào ngực tôi. Chúng tôi quá gần nhau đến nỗi tôi có thể ngửi được mùi hương từ áo khoác của nàng. Tôi nhận ra rằng đã lâu lắm rồi tôi không nhìn kỹ người phụ nữ thân yêu của mình. Tôi nhận ra vợ tôi không còn trẻ nữa. Đã xuất hiện một vài nếp nhăn trên gương mặt của nàng.

Ngày thứ ba, cô ấy thì thầm vào tai tôi: “Vườn ngoài kia đang bị xói mòn đấy. Anh cẩn thận khi đi qua đó nghe”.

Ngày thứ tư khi tôi nâng cô ấy lên, tôi có cảm giác chúng tôi vẫn còn là một đôi uyên ương khăng khít và tôi đang ôm người yêu trong vòng tay âu yếm của mình. Những tơ tưởng về Dew trở nên mờ nhạt dần.

Đến ngày thứ năm và thứ sáu, cô ấy tiếp tục dặn dò tôi vài thứ, nào là cô ấy để chiếc áo sơ mi vừa ủi ở đâu, nào là tôi phải cẩn thận hơn trong lúc nấu nướng. Tôi đã gật đầu. Cảm giác thân thiết, gần gũi lại trở nên mạnh mẽ nhiều hơn.

Nhưng tôi không nói với Dew về điều này. Tôi cảm thấy bế cô ấy dễ dàng hơn. Có lẽ mỗi ngày đều luyện tập như vậy đã làm tôi mạnh mẽ hơn. Tôi nói với cô ấy: “Có vẻ bế em không còn khó nữa”.

Vợ tôi đang chọn váy đi làm. Tôi thì đứng đợi để bế cô ấy. Cô ấy loay hoay một lúc nhưng vẫn không tìm ra chiếc váy nào vừa vặn cả. Rồi, cô ấy thở dài, “Mấy cái váy của em đều bị rộng ra cả rồi”. Tôi mỉm cười. Nhưng đột nhiên tôi hiểu rằng thì ra cô ấy đã ốm đi nên tôi mới bế cô ấy dễ dàng, chứ không phải vì tôi mạnh khỏe hơn trước. Tôi biết vợ mình đã chôn giấu tất cả niềm cay đắng trong tim. Tôi lại cảm thấy đau đớn. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay chạm vào đầu cô ấy.

Đúng lúc đó, thằng con chúng tôi chạy đến “Cha à, đến giờ bế mẹ ra rồi” – nó nói. Đối với nó, hình như nhìn thấy cha bế mẹ ra đã là một phần tất yếu trong cuộc sống của nó rồi. Vợ tôi ra hiệu cho nó lại gần và ôm nó thật chặt. Tôi quay mặt đi vì sợ rằng mình sẽ thay đổi quyết định vào phút chót.

Tôi ôm cô ấy trong vòng tay, bước từ phòng ngủ qua phòng khách, qua hành lang. Tay cô ấy vòng qua cổ tôi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi ôm cô ấy thật chặt, tưởng tượng như chúng tôi đang trở về ngày tân hôn. Nhưng tôi thật sự buồn vì vợ tôi đã gầy hơn xưa rất nhiều.

Vào ngày cuối cùng, tôi thấy khó có thể cất bước khi ôm cô ấy trong vòng tay. Con trai chúng tôi đã lên trường. Vợ tôi bảo: “Thực ra, em mong anh sẽ ôm em trong tay đến khi nào chúng ta già”. Tôi ôm cô ấy thật chặt và nói: “Cả em và anh đã không nhận ra rằng cuộc sống của chúng mình từ lâu đã thiếu vắng quá nhiều những thân mật, gần gũi”.

Tôi phóng ra khỏi xe thật nhanh mà không cần khóa cả cửa xe. Tôi sợ bất cứ sự chậm trễ nào của mình sẽ khiến tôi đổi ý. Tôi bước lên tàu. Dew ra mở cửa. Tôi nói với cô ấy: “Xin lỗi, Dew, anh không thể ly hôn. Anh nói thật đấy”.

Cô ấy kinh ngạc nhìn tôi. Sau đó, Dew sờ trán tôi. “Anh không bị sốt chứ”, cô ấy hỏi. Tôi gỡ tay cô ấy ra. “Dew, anh xin lỗi”, tôi nói. “Anh chỉ có thể xin lỗi em. Anh sẽ không ly dị. Cuộc sống hôn nhân của anh có lẽ tẻ nhạt vì cô ấy và anh không nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ trong cuộc sống lứa đôi, chứ không phải bởi vì anh và cô ấy không còn yêu nhau nữa. Bây giờ, anh hiểu rằng bởi anh đưa cô ấy về nhà, bởi cô ấy đã sinh cho anh một đứa con, nên anh phải giữ cô ấy đến suốt đời. Vì vậy anh phải nói xin lỗi với em”.

Dew như choàng tỉnh. Cô ta cho tôi một cái tát như trời giáng rồi đóng sầm cửa lại và khóc nức nở. Tôi xuống cầu thang và lái xe đến thẳng công ty.

Khi đi ngang tiệm hoa bên đường, tôi đặt một lẵng hoa mà vợ tôi yêu thích. Cô bán hàng hỏi tôi muốn viết lời chúc gì vào tấm thiệp. Tôi mỉm cười và viết “Anh sẽ bế em ra, vào mỗi sáng cho đến khi chúng ta già”.

St

Lam nhận được thư Khương một sáng mùa thu trong vắt. Hòm thư trước cửa còn lấm tấm những hạt sương từ đêm trước, tiếng chìa khoá tra vào ổ bật tanh tách như tiếng reo vui của lá và gió. Lam mỉm cười, vào mùa thu, ngay cả những vật dường như vô tri nhất cũng trở nên dịu dàng đến lạ. Thư Khương viết ngắn. Anh nói vừa tìm được công việc mới, dặn dò Lam nhớ ăn ngủ đúng giờ. Cuối thư, như thường lệ, là bảy ngôi sao vẽ tay nguệch ngoạc. Lam thấy có vị ngọt phảng phất ở khóe môi. bảy ngôi sao là bảy nụ hôn của Khương gửi đến cô. Lam thích số “7”, Khương biết như thế. Và từ khi họ không còn được chở nhau qua những con phố dài để vùi mặt vào tóc nhau, lấy trộm từ gió một cái hôn hiền lành thì những ngôi sao ấy bắt đầu thay Khương mang đến vị ngọt trên môi Lam.

Đó là lá thư cuối cùng của Khương.

Anh mất hai ngày sau đó, với lí do cũng bình thường như lí do cho muôn ngàn cái chết khác: tai nạn giao thông.

Đó là lúc mùa thu đang vào độ đẹp nhất.

Mọi người muốn giấu Lam, nhưng giấu làm sao được. Che giấu cái chết có vẻ khó khăn hơn sự sống. Lam dễ dàng nhận ra sự thiếu vắng của Khương, cho dù đôi lúc cô dường như quên mất sự có mặt của anh.

Lam bay về vừa kịp ngày đưa anh ra nghĩa trang. Không có nước mắt. Không có sự cứng rắn gượng gạo. Chỉ có Lam-không-Khương, nghĩa là không có bảy nụ hôn dài mang ánh sáng của sao trời, không có những ngày trời âm u Lam nằm tựa đầu lên vai Khương lắng nghe tiếng nhịp tim anh rất gần, không có mái tóc phảng phất mùi bụi đường, không có những giấc ngủ vùi trong căn phòng thiếu ánh sáng thừa tình yêu.

Trong một chừng mực nào đó, người ta nhận thấy Lam-không-Khương đồng nghĩa với Lam-không-Lam.

Lam không quay lại bên kia nữa. Dù ở bên kia, mùa thu đang rất đẹp. Bạn bè không ai nghe Lam nhắc đến Khương nữa. Thậm chí không có cả những câu tình cờ buột miệng đơn thuần mang tính chất sự kiện như “Hôm trước Lam gặp mẹ Khương ngoài cửa hàng”. Họ nghĩ Lam không muốn chạm đến vết thương tươi rói, nên cũng thôi không nhắc về Khương mỗi khi có Lam ở đó.

Lam xin được công việc dạy vẽ ở một trường trung học. Cô sống lặng lẽ và bình thản. Rồi thời gian cũng dần qua. Và những người bạn, những người từng biết Khương, cũng đến lúc họ không nhắc về Khương nữa, dù có hay không có Lam ở đó. Lãng quên cái chết lại dễ dàng hơn là sự sống.

Khi Khương mất đi, nhiều thứ tản mát và nhạt nhòa theo. Đó là hệ quả không tránh được của sự mất mát. Chỉ riêng có một điều được thêm vào. Một thứ duy nhất vì sự mất mát của Khương mà xuất hiện. Thứ đó mang hình dáng của một hộp thư xinh xắn làm bằng gỗ sơn xanh nằm lặng lẽ cạnh mộ anh. Hộp thư ấy vẫn thường xuyên nhận được bảy nụ hôn có hình ngôi sao vẽ nguệch ngoạc. Lá thư đầu tiên trong hộp và bảy nụ hôn đầu tiên là của người con trai đang nằm hiền lành cạnh nó. Những lá thư và nụ hôn tiếp theo được người con gái mang đến vào mỗi sáng thứ bảy.

I.

Đôi lúc em tự hỏi cái chết có mùi vị như thế nào. Nó có giống như hương vị của mùa thu không anh. Em hi vọng nó sẽ dịu dàng và ngọt ngào như thế, để những khi em đi qua mùa thu, em biết em và anh có cùng một cảm giác.

II.

Đêm qua em mơ thấy anh. Anh mỉm cười với em. Và chúng mình hôn nhau. Bảy nụ hôn dài anh ạ. Anh rất gần em. Gần đến mức em tưởng chỉ cần mở mắt ra chạm tay một cái là giữ được anh ngay. Nhưng em biết có khóc bảy lần cũng không đổi được bảy nụ hôn bằng ánh sao anh tặng em, nên em đã mỉm cười với anh trong giấc mơ.

III.

Hôm qua em được tặng một cái ly uống nước màu ngọc bích. Anh vẫn biết em hay pha trà sữa uống vào những ngày trời nắng nhẹ mà. Em thích cảm giác cầm ly trà trên tay, ngẩn ngơ nhìn từng làn khói như mùa thu toả nắng. Em hay nghĩ, không biết anh có phải là gió không? Anh có phải là khói không? Vì từ khi không có anh, em bỗng yêu những thứ đó lạ lùng, như là em-yêu-anh. Như là em-yêu-anh.

IV.

Hôm nay lúc đang đi bộ xuyên qua đám đông để đến trạm xe, em tình cờ trông thấy ánh mắt anh trên gương mặt một người khác. Em đã không hớt hải chạy theo, em đã không sững người hóa đá. Em chỉ nghĩ, chắc là anh biết em nhớ anh quá, nên đã nhờ một ai đó thay anh cho em một chút tình yêu của anh. Em đã bước đến gặp người thanh niên ấy, mỉm cười “Anh có ánh mắt giống như người yêu tôi”. Người thanh niên hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng rồi anh ta đã cười với em anh à. Câu đầu tiên anh ta nói với em là “Đường ở đây nhiều bụi lắm, cô cẩn thận nhé, hình như có một vài hạt vừa bay vào mắt cô”.

V.

Em vừa vẽ xong một bức tranh. Em đặt tên nó là “bảy nụ hôn dài”. Em đã để nó vào hộp thư của chúng mình rồi, nên anh sẽ thấy nó ngay thôi. Em vẽ chúng mình hôn nhau dưới bầu trời sao. Có tất cả bảy ngôi sao. Em vẽ đi vẽ lại mãi mà không vẽ được gương mặt của anh. Em đã khóc vì bất lực. Em sợ em quên anh. Em sợ đến một ngày nào đó ngay cả trong mơ em cũng không được nhìn rõ mặt anh. Cuối cùng, em nhận ra em đã quen nhìn anh bằng tim. Nếu anh thấy không giống, không phải vì không-phải-anh, chỉ là vì anh-trong-tim-em.

VI.

Thì ra anh chàng hôm nọ ở gần nơi này anh ạ… Em thường chờ cùng trạm xe với anh ta mỗi lần đến gặp anh. Hôm nay anh ta nói với em “Hình như lâu lắm rồi cô không tiếp xúc với con người”. Không hiểu sao tự nhiên em bật cười. Em vẫn gặp anh thường xuyên đó thôi. Việc anh rời khỏi thế giới này làm sao ngăn được việc anh là một con người vẹn nguyên nhất. Anh vẫn là Khương-của-em, vẫn là Khương thích khuấy cà phê cho em khi chúng mình ngồi bên vệ đường, vẫn là Khương trầm tĩnh đưa lưng che cho em khỏi ướt khi chúng mình đứng tránh mưa. Có những điều em hiểu, và anh chàng kia không hiểu. Có những điều mà từ khi yêu một người như anh, em tự nhiên được biết.

VII.

Đôi lúc em tự hỏi sao em không giống những người con gái khác khi mất đi người yêu. Sao em không khóc một lần cho chết lặng đi, để rồi tái sinh và thản nhiên yêu thương một ai đó khác. Sao em không nhìn cuộc sống bằng ánh mắt u ám , vì sự u ám một ngày nào đó cũng nhạt nhòa dần. Em chỉ đơn giản là yêu thương anh. Em chỉ đơn giản là cảm thấy cuộc sống của em vì anh mà dịu dàng buồn bã như mùa thu. Vì không oán hận, vì không đau đớn, mà tình yêu không thể phai nhạt.

Hộp thư đầy rồi anh à. Em lấy thư xếp thành thuyền thả trên dòng sông ở cạnh đây. Tuần sau em sẽ lại bắt đầu viết những lá thư mới. Hôm nay khi đứng ở bờ sông nhìn từng chiếc thuyền giấy dần dần trôi ra xa khỏi tầm tay em, nước mắt em rơi xuống hòa tan vào muôn ngàn giọt nước phía dưới. Em tự hỏi có phải ngàn ngàn triệu triệu năm trước, những dòng sông đều bắt đầu từ nước mắt của từng cô gái nhỏ xếp thuyền bằng những lá thư mang ánh sáng của bảy nụ hôn dài.

Nhiều mùa thu nữa đi qua.

Có phải những dòng sông bắt đầu bằng nước mắt đều chở theo bảy nụ hôn dài qua biên độ vô cùng của thời gian…

St

Cây sau vườn nhà nội. Một cây mai chẻ cành từ gốc, thành một cây đôi. Thế song thụ. Cành bên này to khoẻ vững vàng, mùa xuân trổ hoa vàng rực với những bông cánh to, dày dặn. Cành bên kia mảnh mai, thanh thoát, bông mỏng manh, thưa thớt, vàng nhè nhẹ. Rõ ràng là chung một gốc, nhưng chia ra hai đời sống riêng gần như độc lập, rõ ràng hai tính cách. Thiên nhiên vốn sẵn nhiều bí ẩn, và cái sự bí ẩn này là một trong số đó, có thể giản đơn với con mắt các nhà sinh vật học, hay các bậc làm vườn chơi kiểng kỳ cựu như ông nội tôi – rằng do tính trội, gien trội hay tính lặn, gien lặn gì đó của hai nhánh mai. Ông tôi nói:

– Người ta còn ép được cả những cây lớn trong một chậu kiểng thành bon-sai, rồi bẻ cành, uốn nhánh, tỉa ngọn, cắt lá, tạo dáng, ghép nối đủ kiểu cũng đâu có gì là lạ. Người ta làm được tuốt.

Và cả vườn kiểng của ông đã minh chứng cho lời ông nói.

Sự thiệt, cây mai đôi kia chẳng hề có sự can dự gì của ai. Tự nhiên nó thành ra như vậy. Đó mới là cái làm tôi thích, gây được cho tôi ấn tượng. Ông biết vậy, nên những lúc trầm ngâm ngồi uống trà dưới gốc mai – thứ trà ướp bông lài thơm dậy đặc biệt, uống vô đắng chát nhưng hậu ngọt, nước vàng sánh mà chỉ có cô Út mới biết cách châm làm ông vừa lòng – ông vẫn thường gật gù với tôi, “bây lớn lên, thay ta săn sóc cái vườn kiểng này được”. Tôi đứng vòng tay, ông cho ngồi mà chẳng dám ngồi, biết ông khen thiệt chứ không vì cưng chiều theo kiểu cháu đích tôn mà nói vậy, lòng vừa vui vừa sợ.
Tôi được cả nhà ưu ái. Ba tôi lập gia đình trễ, nghe kể thời trai trẻ người cũng kỳ hồ lang bạt lắm. Đến khi gặp mẹ thì đã lớn tuổi, phần không thể tránh né sự thúc giục của ông bà nội, vì chỉ có ba là con trai duy nhất, phần vì ba quá yêu mẹ. Mẹ tôi thì lại không thuận lợi về đường con cái cho lắm, lấy ba mấy năm, mẹ cùng bà nội đi khắp các chùa miếu đền thờ trong vùng cúng kiếng mãi, mới sinh ra được tôi. Ai cũng nói như vậy thì tôi là con cầu tự. Trời khiến sao tôi lại giống ông nội tôi như đúc, giống ngay từ lúc sanh ra. Nội thương tôi bằng một tình cảm nâng niu là lẽ dĩ nhiên, nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc, lễ giáo khắt khe đã thành nếp. Tính tôi tuy ương bướng, nhưng nể sợ ông nội một phép. Và nhất là tôi rất thương cô Út, người cô dịu dàng và xinh đẹp nhất nhà trong ba người em gái của ba.

Cô Ba, cô Tư lấy chồng đã về bên chồng rồi dọn ra ở riêng từ lâu, chỉ còn lại cô Út ở nhà. Ông tôi khó nhưng cô Út khéo chiều ông nhứt. Ba tôi nhiều khi còn làm phật ý ông, chứ cô Út thì hầu như không bao giờ. Từ ngày bà nội tôi mất sau một căn bệnh trầm kha, ông càng trở nên khó tính, chỉ còn hỏi han tôi và sai bảo cô Út này nọ, còn thì không vừa ý một ai khác. Ba nói có lẽ thời trai trẻ phiêu bạt của ba đã để lại dấu ấn không vừa lòng trong ông, nên tình cảm cha con có một khoảng cách không thể nào lấp đi cho hết. Còn bà nội như một sự dung hòa, gắn kết các người thân trong gia đình lại với nhau; mất bà, mỗi người trở thành một cõi riêng khó bề buộc ràng vào nhau như trước. Mẹ tôi thay bà, làm người xây tổ ấm, đã không kham nổi. Mẹ là con gái thành phố, da trắng tóc dài môi đỏ. Đôi mắt mẹ đen huyền, có hai đuôi kéo dài ra ướt át. Ba hay kể thời yêu mẹ, ba phải vất vả lắm mới giữ được, và càng vất vả hơn để lấy được mẹ. Mẹ có lẽ cũng yêu ba nên mới chịu về quê làm dâu, mới chịu học để hòa nhập vào nếp sống ở đây. Cho dù vậy, vẫn có cái gì đó lấn cấn trong lòng, làm cho mẹ có vẻ của người ở tạm. Biết nhập gia tùy tục, nhưng không bỏ sạch cái cốt cách thị thành vốn có, là căn nguyên làm cho mẹ không đủ sức thay bà nội trong gia đình.

Có những đêm trăng, ông tôi biểu cô Út trải tấm chiếu sau nhà, dưới gốc cây mai đôi. Ông uống rượu một mình, không mồi nhắm. Nửa chừng, ông kêu tôi đến. Tôi đứng khoanh tay chờ, ông cho phép rồi mới dám ngồi xuống mép chiếu. Ông nói, giọng có thấm cái chất cay đặc trưng của xứ sở, nghe hơi đã thấy kéo dài ra và ươn ướt:

– Hứa với nội, con sẽ không bao giờ rời bỏ xứ mình.
Dĩ nhiên là tôi hứa. Mười ba tuổi, tôi còn biết gì hơn là làm vừa lòng người ông mà mình luôn hằng yêu kính. Trí óc non nớt cũng chưa kịp vẽ ra cho tôi những cuộc phiêu lưu nào xa hơn khóm tre đầu xóm, xa hơn cây cầu dẫn ra bến bắc. Ông vui lòng lắm, gật gù “Giỏi. Giỏi…”, rồi ông rót rượu ra chung, “Thưởng cho con…”. Tôi bưng chung rượu bằng hai tay, nhắm mắt hớp một cái. Rượu nóng ran, cay xè xộc vào mũi, chảy tới đâu biết tới đó. Tôi hoa mắt thấy một màn sương mù mờ kéo trước mắt, cổ họng khát cháy, bừng bừng toàn thân. Ông tôi cầm lại cái chung không, vỗ đùi:

– Thằng nhỏ này ngon dữ đa. Khá!

Nhưng rồi ông tôi không còn phải uống rượu một mình nữa, khi chú Hảo về tới xóm. Chú Hảo là người buôn kiểng ở thành phố. Nghe truyền xứ tôi có nhiều kiểng lạ, quý hiếm và lâu đời, chú về trước là chơi cho biết, sau là coi có thể làm ăn gầy dựng cơ nghiệp lâu dài được không. Coi xong vườn kiểng của ông tôi, chú cứ tấm tắc hoài. Nghe chú gọi mình là “nghệ nhân”, ông cười gạt đi:

– Tao chỉ là người làm vườn, nghệ nhân nghệ nhiếc gì bây ơi.

Chú Hảo rổn rảng – chú vốn có cái chất giọng trầm vang, rất rổn rảng, dễ lôi cuốn những người đối diện:

– Bố mà ở trển là kể như “nghệ nhân” mất đất từ hồi nào. Nhưng con biết bố đâu có màng danh phận.

Ông tôi cười khả khả, ai nói trúng ý ông thì ông thường cười vậy. Ông tỏ ra quý chú Hảo đặc biệt. Ông biểu đã về đây rồi thì cứ ở luôn trong nhà đừng ngại gì, coi như con cháu. Được lời, chú Hảo giành lấy cái võng. Ngày ngày, chú lân la đi các vườn kiểng trong xóm. Chẳng bao lâu, chú gầy dựng được phong trào làm kiểng để xuất bán, không đơn thuần chỉ là một thú chơi nữa. Xưa, chuyện mua bán chỉ là ăn may, thỉnh thoảng dăm ba mối, bây giờ chú sẽ tổ chức làm đại trà, quy mô. Chú đi đi về về như con thoi. Ở một thời gian lại trở lên thành phố, lại về, lại lên… Chú nói chú quan hệ rộng, làm ăn với rất nhiều nơi. Lần nào từ thành phố xuống, chú cũng không quên mua quà cho tôi. Những món đồ chơi đẹp lạ lùng chưa từng được thấy từ thành phố làm tôi thích mê. Tôi bắt đầu ước ao có lần được làm một chuyến đi về quê ngoại, bắt đầu mơ tưởng về phiùa bên kia bến bắc. Mẹ tôi từ ngày lấy chồng chưa một lần trở lên thành phố, vì ông bà ngoại tôi mất đã lâu, mẹ ở với người dì, mà bà dì ấy thì cũng đã đi xuất cảnh rồi, nên cũng chẳng còn ai thân thích. Có chú Hảo, mẹ bắt đầu lục ra trong ký ức những kỷ niệm xưa, mẹ hỏi han hằng giờ về thành phố, khuôn mặt đẹp của mẹ tươi tắn, như sáng bừng lên niềm vui thích, chẳng khác gì một đứa trẻ con được nghe câu chuyện lạ. Mẹ nói, “Bao nhiêu năm rồi còn gì…”. Hễ chú Hảo nhắc tới một chốn thân quen nào mà mẹ từng biết thì mẹ lại ồ lên, “Vậy sao…”. Rồi mẹ hào hứng kể chuyện cũ. Có một người cũng thích nghe chuyện của chú Hảo, đó là cô Út. Cô hay làm bộ như đang mải bận một việc gì đó, nhưng cứ nhìn cái vẻ quanh quẩn của cô không dám rời xa chỗ chú Hảo và mẹ ngồi, tôi biết cô lắng nghe không sót một câu chữ nào. Tôi có thể hiểu được điều này, bởi chính tôi cũng thích mê câu chuyện ấy. Nhưng cũng có thể cô Út vì một lý do khác, bởi có lúc chú Hảo ngồi nhậu với ông, cô cũng một điệu quẩn quanh. Rồi lúc chú Hảo hỏi han tôi, lúc chú soạn kiểng, chăm chú ghi chép, đánh giá, rồi loay hoay tính toán gì đó, cô cũng y hệt vậy…

Một lần, ông biểu:

– Hảo nè, tao còn một đứa con gái, bây có ưng làm rể tao không, có chịu về xứ này không?

Nghe những lời đó, cô Út vọt vô trong buồng, mặt đỏ lựng có lẽ y chang mặt tôi lúc uống chung rượu đầu đời với ông nội. Còn chú Hảo lặng im, cười cười. Ông hiểu cái cười ấy như lời thỏa thuận. Từ đó, chú Hảo trở thành đứa con rể tương lai của ông. Cô Út dịu hiền trở nên duyên dáng hơn và trẻ trung hẳn ra. Tuổi ba mươi bốn của cô vậy là muộn mằn, nhưng cũng phải nói là vẫn còn may mắn. Chú Hảo to cao, mặt vuông, mày đậm, tướng tá chắc nịch, ra dáng đàn ông lắm. Lại giỏi giang làm ăn như vậy. Ba tôi cũng tán thành mối tình đó. Ba đem những kinh nghiệm thời yêu mẹ ra “phổ biến” với chú Hảo. Chú Hảo thì nói:

– Em long đong lận đận cũng nhiều, nên tới từng tuổi này cũng chưa có vợ. Có phước lắm mới được làm rể nhà mình.

Những lần sau đi thành phố về, chú đã không quên mua quà cho cô Út, ngoài những món quà cho tôi. Tôi chỉ ngạc nhiên, thấy chú còn mua quà cho cả mẹ tôi. Mẹ giải thích, “Mẹ gởi tiền nhờ chú ấy mua”. Thứ trà móc câu chú mua biếu ông, ông uống khen quá chừng. Có chú, không khí gia đình trở lại ấm áp, vui vẻ như hồi còn bà nội. Ngay cả vợ chồng cô Ba, cô Tư, ngay cả mấy đứa em tôi mỗi lần về chơi cũng khoái chú.

Cô Út cười nhiều hơn, cô không còn lặng lẽ đi ra đi vô trong nhà như xưa nữa. Cô bắt đầu trêu chọc tôi rồi cười, như thể muốn phát lộ cái vui trong lòng mình ra cho mọi người đều biết. Không phải cô không từng có những mối tình, trước đây cũng có nhiều ông chú trong xóm đã vo ve nhờ tôi đem thơ về cho cô, nhưng đó là những bức thơ tình xấu số, cô Út đọc lén ông, rồi lén ông đốt sạch, không hồi âm cho ai…

Đám cưới được ấn định vào tháng chạp âm lịch, trước hôm đưa ông táo một bữa. Năm đó nhuận nên mai nở sớm. Cây mai đôi ra bông vàng rườm. Cô Út có lẽ tưới nó quá nhiều, nên không nhặt lá mà nó cứ ra liên tục hết lứa này tiếp lứa khác. Ông không la mắng gì, còn nói vậy là điềm may.

Cả nhà tíu tít chuẩn bị cho đám cưới. Còn một tuần nữa đến đám cưới thì chú Hảo về thành phố sắp xếp để đưa người nhà xuống. Cô Út may một chiếc áo dài màu vàng bông mai, ngày nào cũng đem ra săm soi ngắm nghía.
Vụ mất tích của mẹ tôi ba ngày trước đám cưới làm mọi người như xìu xuống. Ai nấy bỏ dở công việc tất tả tìm kiếm, nhưng không có một dấu vết gì. Tuyệt nhiên không.
Đến khi ba tìm được lá thơ mẹ để lại trong tủ, mới hay mẹ bỏ nhà đi theo chú Hảo. Ông nổi cơn giận dữ, ông trách chú Hảo thật nặng lời: “bất nghĩa, bất tình”. Cô Ba dượng Ba, cô Tư dượng Tư cũng oán thán. Cô Út lủi vô trong buồng nằm khóc ỉ ôi, khóc mãi như không thể ngừng. Không một ai nhắc tới mẹ, mọi tội lỗi trách oán đổ hết lên đầu chú Hảo, người đã che mắt mọi người bằng cái đám cưới với cô Út, để rù quến mẹ. Có lẽ không ai nỡ dày vò ba, sợ sẽ làm ông đau khổ thêm nữa. Ba lặng thinh vật vờ như một cái bóng. Nỗi khổ đau và nhục nhã kéo gầm mặt ông xuống, phủ cấp kỳ hàng tá nếp nhăn xung quanh mắt và khoé miệng ông. Còn tôi, tôi không dám ra ngoài xóm nữa. Bọn bạn tôi, luôn cả con Tằm mắt to như hai hột nhãn đen láy mà tôi rất quý mến, cũng bán tín bán nghi dò hỏi: “Nghe nói, mẹ anh bỏ nhà đi theo ông Hảo hả?”, còn người lớn thì thẳng thừng: “Mẹ mày là thứ đồ đàn bà hư!”.

Một đêm, tôi nghe tiếng lục đục trong gian buồng của ba mẹ mà bây giờ chỉ còn mình ba. Lẫn với tiếng nức nở lõm bõm của cô Út, tiếng lục đục đó nghe như thu dọn đồ đạc. Rồi ba tới giường tôi, khều nhẹ, ra dấu im lặng. Tôi theo ba ra sân sau, vẫn còn ngái ngủ. Ba bảo đi với ba, ba đã chuẩn bị đồ đạc hết rồi. Tôi hỏi đi đâu mà đi giữa đêm hôm vậy. Ba nói đi tìm mẹ, đi ban ngày sợ ông nội không cho. Tự nhiên tôi lắc đầu “con thương ông lắm, không đi với ba đâu”. Ba bảo kiếm được mẹ rồi về. Tôi nói nếu vậy phải cho ông biết. Ba cộc cằn hất tôi ra, bỏ đi một nước không thèm nói chi nữa. Rất lâu sau đó cũng không thấy có tin tức gì của người. Ở nhà, cô Út uống thuốc rầy tự tử, đúng vào mùng bốn Tết. Nhánh mai nhỏ hơn của cây mai đôi từ đó cũng tự nhiên mà chết rụi, trong khi bên đây, cành mai lớn vẫn dồi dào sinh lực, cuồn cuộn sức sống, vẫn còn bông…

Ông không chịu nổi, vác dao chặt luôn cây mai từ cành nhánh cho tới tận gốc rễ. Ai cũng tiếc cây lực lưỡng với bao nhiêu cành nhánh nhỏ xum xuê tươi tốt. Dù vậy, không ai dám cản ngăn ông. Chặt xong, ông ra mả cô Út, ngồi trầm tư cả buổi chiều…

St

Sáng nay, má tôi lại ra đứng tần ngần ở chợ Ba Bảy Chín, nghiêng nghiêng ngó ngó một hồi, biểu con nhỏ chèo đò chèo dài dài chợ nổi. Chợ rao bán rau trái dậy động cả một khúc sông, má tôi thấy ghe nào cũng lần xuồng lại, dòm mặt chủ rồi đi. Con nhỏ chèo đò chắc là chèo mối, nó biết bà già định đi đâu, định làm cái gì nên nó biểu:

– Hỏng hỏi thăm thì vô phương kiếm ra, ngoại ơi.

Má tôi ngẩn ngơ. Hỏi chớ, chú ơi, thím ơi, tôi muốn hỏi thăm một người quen. Tên gì? Ghe bán gì? Hai Giang. Ghe bán hàng bông. Trời đất, ở xứ này có tỷ tỷ ghe bán hàng bông, cũng có biết bao nhiêu người tên Giang, vậy tướng tá người đó ra làm sao. Bây giờ đâu có biết ra làm sao, gặp được một lần mười sáu năm trước, nhớ sao tả vậy nghen. Ðàn bà, chừng sáu mươi, trạc tuổi tôi, tóc dài, da ngăm ngăm, không đẹp không xấu. Mới đầu đi với chồng, sau chồng bỏ lên bờ vì cơ cực quá trời, hồi trẻ có đứa con gái đầu lòng chừng bảy tháng tuổi thì rớt xuống sông chết.

– Vậy thì đông lắm, người sống trên chợ này hễ mười thì có năm người y chang hoàn cảnh vậy, dân Ba Bảy Chín mà, “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, chị hỏng nghe sao?

Má tôi chẩng hẩng:

– Vậy a?

– Ừ, người đó quen sao mà tìm coi bộ cực dữ?

– Quen. Chà, hỏng biết nói sao bây giờ, dài dòng lắm, vợ của chồng tôi.

Nếu vậy thì dài dòng thiệt, chuyện tình tay ba mà phim dính vô chuyện nầy cũng năm bảy tập trở lên, còn cải lương lâm ly không biết bao nhiêu là nước mắt.

Má tôi cũng khóc nhiều rồi.

Má tôi nói hoài, ba mươi tám năm bà về làm dâu nhà chồng, cực có, sướng có, chưa bao giờ nội tôi khắt khe, nhỏ nhặt, khó chịu với dâu, nhưng má tôi vẫn hận nội tới chết mới thôi. Hỏi sao kỳ vậy, má tôi kéo chéo khăn lên chậm chậm vô đôi mắt: “Bộ hết người rồi sao mà nội bây cưới tao cho ổng, đó – bà chỉ tay ra bến – gần hết đời rồi tao có được vui đâu”.

Ðó là lúc “ổng”, tức ba tôi chống cây gậy khật khừng lang thang xuống bến. Ông dừng lại chỗ mấy cây tra, lấy tay rờ rẫm, săm soi từng cái lá, cái bông như tay bắt mặt mừng thằng bạn lâu năm mới gặp. Rồi ông lần ra tới đầu bến, đứng dưới hàng mắm già ngày xưa ông trồng để giữ đất cho khỏi lở, để mặc cho mấy cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống cái đầu húi cua, bạc trắng của mình, ông già tha thiết nhìn ra sông. Chỉ vậy thôi rồi khật khừng quay lên, cái chân trái yếu ớt như tựa hẳn vô cây gậy, cứ mỗi lần chân bước, đầu gậy lại xoáy sâu vô đất một lỗ tròn tròn.

Cảnh thì quen lắm, thì ngày nào, buổi nào ba tôi chẳng làm vậy nhưng cứ tụm cả nhà lại, rồi ngồi lặng lẽ dòm, ai cũng nghe đau đau xót xót như ai lấy cật tre cứa tới cứa lui trong lòng. Bởi cái lúc này là lúc sum họp đây, vậy mà sao vẫn thấy thiếu một người, mà thiếu đúng cái người đang lững thững đi dưới nắng kia mới chết.

Sau đợt tai biến mạch máu não lần thứ nhất, nửa người bên trái ba tôi yếu hẳn đi, tưởng chỉ vậy thôi, đến lần thứ hai bỗng dưng tâm trí ông già nhớ quên, ít nói, lẩn tha lẩn thẩn. Nhưng còn sống, còn tự mình đi đứng được là may lắm rồi, ai cũng nói vậy. Lúc đó cả nhà đang ở chợ, ba tôi càng lúc càng buồn, hay chống gậy đi, mấy lần cả nhà bỏ tiệm may đi kiếm ông. Sau này chỉ cần một mình tôi, vắng ông, tôi chạy xe dọc theo con đường về vườn cũ là gặp. Thấy tôi, ông già khựng lại, không nói gì, nhưng cặp mắt khẩn cầu, da diết, tôi làm như không biết, cầm gậy, đỡ ông lên xe chở về, có lần ba tôi khóc, ông khóc rưng rức, nước mắt nước mũi nhễu nhão, lòng thòng.

Sau lần ấy, cả nhà quyết định đưa ông về sống trong vườn nhà nội. Vườn bỏ lâu nay, nhưng nhờ cô dượng Ba ở kế bên nhà trồng trọt, trông coi nên chỉ cần dựng căn nhà lên là ở được. Chuyện cắt cử người ở lại với ba tôi thì khỏi phải bàn bởi chừng nào mà má tôi bỏ ông được, “làm gì má cũng phải giữ ba”, tôi đùa. Má tôi xua tay:

– Ổng còn nguyên đó chớ có đi đâu, trước không mất giờ còn sợ mất mát gì nữa -giọng má chợt cay đắng, hồi đó giờ ổng có phải của tao đâu mà giữ.

Nói rồi má tôi trùm cái khăn lên đầu bước xuống xuồng, đưa tôi qua sông, tới bờ bên kia, ngó lại, ba tôi đứng chênh vênh trên bến, đôi mắt như đang nhìn da diết mà không biết nhìn ai, chỉ thấy mông mênh vậy thôi. Chơ vơ, cô độc. Má biểu tôi đi đường cẩn thận rồi bơi xuồng trở về, còn nói với theo:

– Sao má lo quá, má sợ ba mầy, ổng mà chết ổng cũng xuống sông để chết.

Lo cũng phải, không phải ba tôi nhớ vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, cặp mắt như ngó mong, như hờn giận. Ba tôi vốn là người của sông mà. Ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi.

Và cũng y như má tôi, ba cũng không sống được mấy ngày vui, vui thật, vui đúng nghĩa. Hồi tôi còn nhỏ, còn sống chung với bà nội, đêm đêm cả nhà đi ngủ, ba tôi ngồi hút thuốc trên bộ vạc kê trước nhà, chống rèm lên, ngó ra sông. Kiểu ngồi một chân xếp bằng, chân kia dựng lên, rồi tì cái tay cầm điếu thuốc lên cái đầu gối, đêm này qua đêm khác, kiểu ngồi không đổi. Nửa đêm, má tôi đi ém mùng lại, tôi thức giấc, ngó ra chỉ thấy đốm lửa lập lòe, lúc đỏ rực, lúc lại tắt thiu tiu. Má tôi ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn ba, còn ba thì nhìn ra sông. Sông cách nhà một cái bến dài chẻ ngang đám dừa nước, đám ô rô mọc lởm chởm chồm từ mé lá lên. Những đêm trăng sáng, nếu không vướng mấy bụi ráng, bụi lức dại có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng, lồng lộng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẫy chách bụp rất đều. Dài từ ngã ba Vàm đến đây, nước chảy êm, khuất gió, những chiếc ghe đi đêm hay đậu lại, nghỉ ngơi. Lâu lâu, có chiếc ghe hàng bông lặng lẽ neo lại ngoài bến nhà tôi, treo ngọn đèn chong lên cây đước chơm chởm những cái nhánh con, mỗi nhánh lủng lẳng trái khóm, trái bầu dầm nắng mưa đã teo héo. Không thấy bóng người, chỉ nghe tiếng gàu tát nước cọ vô xuồng xao xác. Hừng đông chạy xuống bến thì ghe đã đi rồi. Những đêm đó, ba tôi hút thuốc dữ, cứ nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối, nhỏ nhoi, buồn hiu ngoài kia. Ba tôi thở dài. Má tôi thở dài, chạy qua buồng bên khóc với bà nội tôi, không biết nói cái gì, chỉ nghe lõm bõm, tiếng nội làu bàu: “Vậy ra má đã làm sai cái gì?” và má tôi tuyệt vọng: “Kiểu này biết chừng nào ảnh mới quên chuyện xưa hả má?”.

Ngày xưa ba tôi cũng yêu thương một người. Nội tôi dứt khoát không chịu (nội có tỷ tỷ lý do để không chịu), ba tôi mới dắt díu người ta bỏ nhà đi, sống kiếp thương hồ. Hai người trải qua biết bao nhiêu cơ cực, nào là gặt mướn, làm cỏ lúa, đắp bờ… mới có được một ít vốn, ba tôi sắm cái máy Koler xuống rẫy bán hàng bông. Họ sống nghèo lắm. Mỗi lần đi ghe đi ngang qua nhà, ba tôi khắc khoải ngó lên, vừa nhớ, vừa đau vì cãi nội. Rồi hai người có với nhau đứa con, nhưng chị bạc mệnh chết đuối, tận cùng đau khổ, ba tôi bỏ về nhà, được về, ba tôi cũng phải đáp ứng vài điều kiện của nội, vậy là ba tôi bỏ người ta giữa dòng bơ vơ. Tôi biết được có bao nhiêu đó thôi, kể ra cũng mấy dòng vậy thôi. Mà, cũng phải đợi tới năm mười lăm tuổi, cả nhà mới cho tôi biết. Tôi bật ngửa, chuyện xảy ra lâu rồi, nhưng người ta vẫn còn nhớ, vẫn còn cắm sào trước bến nhớ ba tôi, vậy mà biểu ba tôi quên cái rụp thì làm sao quên được.

Mà, cũng vì ba tôi quên không được má tôi mới thương ông nhiều, sau nầy, lớn lên, biết yêu thương rồi, tôi mới ngộ ra. Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào. Với tôi, ba tôi thì quên hay không cũng được, ba đã sống tốt với cả nhà tôi lắm rồi. Ông sống tử tế đến vô cùng, đến thừa, dường như ông gởi gắm tình thương yêu đến cả người vắng mặt.

Ở cái xóm quê, mười người đàn ông thì nhậu nhẹt hết chín, trong chín người hết năm nhậu về chửi vợ, đánh vợ như đánh bịch muối, ba tôi là người duy nhất còn lại. Ông ít nói, hiền lành, từ tốn với má tôi, những lần má tôi bệnh, ba chèo một hơi mười mấy cây số vừa đi vừa về đưa má tôi ra trạm xá, không than mệt, không thở ra, tận tụy. Lúc nào cũng mình mình tôi tôi, mấy bà hàng xóm nghe tủi cho mình mà khóc, má tôi cũng òa khóc theo, cảnh mỗi người tự người đó biết, người ta hay đứng núi này trông núi nọ vậy mà.

Mơ hồ dường như mình mắc nợ ai đó, cả nhà tôi lúc nào cũng cảm thấy không vui, dù hạnh phúc (hai thứ này sao lại không thể đi chung). Không thấy ai đòi nhưng nợ vẫn cứ là nợ, nó rờn rờn quanh quất trong chái bếp ngày ngày khói tỏa, trong mấy chiếc giường ngủ con con, trong hai bữa ăn mỗi ngày. Ngồi quây quần như vầy trong bụng cứ nghĩ, có một người nào đó cô độc, bơ vơ. Mà tội nhất là nội tôi, vốn mê cải lương, nhưng bữa nào ti-vi chiếu mấy tuồng có bà mẹ chồng ác nghiệt chia rẽ duyên của con, dâu là thấy nội tôi rầu. Cho tới lúc cuối đời, chắc nội tôi vẫn băn khoăn trong lòng câu hỏi: “Vậy ra, mình giống mấy bà già trong đó thiệt sao?”.

Má tôi thấy nội bứt rứt cũng không tỏ ra phiền muộn nữa, cốt để an ủi nội tôi lúc cuối đời. Khi nội tôi vừa khuất, má quyết định gặp đối thủ một lần, chỉ định nhìn vậy thôi, chưa biết làm gì mà cũng không biết làm gì người ta, nhưng chắc chắn phải biểu người ta buông tha ba tôi ra, còn gì nữa đâu mà neo ghe trước nhà ngó mong hoài.

Chờ đợi, rình rập hụp hửi mấy lần, chiếc ghe nhỏ với ngọn đèn đo đỏ lại về đậu trước bến nhà tôi, như mong đợi của má. Bữa đó, má nói với ba tôi chèo xuồng về chơi bên ngoại một đêm. Gà gáy chập đầu, bà trở lại, trên xuồng chất đầy mấy thứ rau đồng, bà giả đò làm người đi chợ sớm.

Ngang qua, má tôi tấp xuồng lại kế bên chiếc ghe, than:

– Tính đi chợ cho sớm mà gió quá, chèo không lên, bậy thiệt.

Má tôi tin rằng, người đàn bà kia, cũng như ba tôi, những đêm như vầy không bao giờ ngủ. Mà thật, dì đang chong đèn ngồi thêu áo gối, nghe tiếng má tôi, dì quay lại, dường như sững sờ, bất ngờ một chút dì cười:

– Dà, đêm nay nhiều gió thiệt – Dì vẹt mớ quần áo, kim chỉ trên cái sạp tre – Chị vô mui ngồi cho ấm, chờ bớt gió rồi đi, ngồi ngoài đó cảm sương chết.

Má tôi không từ chối, bà buộc dây xuồng lại, bước qua ghe. Bà cao người nên ngồi trong cái mui lợp bằng lá chầm đóp phải khom một chút. Họ ngồi đối mặt với nhau. Má tôi thấy lòng mình bình lặng lạ lùng, hồi ngồi dựng cái cảnh gặp mặt nầy, cứ tưởng là phải làm một cái gì ghê gớm lắm. Có thể vì người đàn bà của ba tôi hiện lên rất hiền, dì mặc chiếc áo cộc tay mầu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc áo bà ba ở ngoài, mỏng te, nhiều mụn vá. Tóc đã bạc nhiều, lơ thơ vài cọng rủ xuống mặt. Sương gió đã làm cho khuôn mặt dì đen sạm, nhăn nheo. Má tôi nghĩ thầm trong bụng: “Xấu hơn mình nhiều”. Má tôi sợ cứ nhìn chằm chằm người ta hoài cũng không phải nên má ngó lơ chỗ khác. Ðồ vật trên ghe món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh toàng. Ngay sau lưng chỗ má tôi ngồi, bỏ khoang tát nước có một cây ớt hiểm, một cây sống đời đang trổ bông trồng chung trên miệng cái khạp bể. Dì lúi húi dẹp miếng vải đang thêu dở, với lấy bình thủy, châm nước vô cái bình trà sứt vòi, ho khúc khắc. Má tôi chép miệng: “Cha có trà uống thì còn gì bằng, mà chị bịnh hả, mấy lá sống đời nầy ngậm với muối cũng đỡ ho lắm”. Dì ngước lên cười: “Dà, lúc nầy trở gió, cũng nhờ nó…”. Má tôi hỏi:

– Chị đi ghe một mình à, một mình cũng được sao?

– Dà, cũng được, chị.

– Ủa, chồng chị đâu?

– Dà, dì bối rối, ảnh… đi xa lắm.

– Còn chồng tôi thì theo vợ bé mất rồi, má tôi nói luôn.

Dì nhìn sững má, dường như để xem xem nỗi đau mất chồng của má với dì có giống nhau. Hồi lâu, dì chợt cúi mặt:

– Uống trà, chị, hoàn cảnh của chị cũng buồn thiệt. Nhưng thể nào rồi ảnh cũng quay về. Thiệt đó chị, đa số đàn ông đều tốt.

Tốt sao? Người ta bỏ cô để cưới tôi mà là tốt à, má tôi ngồi lặng, tự hỏi, mà không biết nói gì nữa, cái câu quan trọng nhất chắc không phải nói lúc nầy. Má tôi ngồi ngó quanh, một ánh đèn nhỏ nhoi thôi cũng đủ hắt sáng vài xâu cốm gạo treo trên vách, mấy hũ kẹo, bánh ngọt, tiêu tỏi để bên này, trái cây như khóm, bí rợ, khoai lang thì chất thành hàng bên kia. Sát bên hông dì, dưới tấm vải trắng thêu dở là hai xấp quần áo cũ, người lớn có, trẻ con có được xấp ngay ngắn, nhưng hết thảy đều cũ kỹ, bạc mầu. Má tôi vọt miệng:

– Ủa, chị có cháu nhỏ à?

Sau nầy, má tôi nói, đó là cái câu tàn độc nhất mà má lỡ miệng đánh ngay vào nỗi đau của dì. Dì nhìn trân trân vào ngọn đèn, cái nhìn đau nặng. “Con bé Phước nhà tôi vô phước lắm chị à, tại tôi không cẩn thận nên cháu vừa mới biết bò đã té sông, trôi mất. Cũng mười mấy năm rồi, bây giờ nó còn sống, chắc tôi thêu gối cưới cho nó cũng vừa. Tôi… tôi chiêm bao thấy cháu nó hoài, chiêm bao lãng nhách hà, tự nhiên tôi thấy con tôi biết nói, nó biểu má đừng bỏ con, trời ơi, tiếng nó thấy cưng lắm kìa, vía tôi trả lời, mẹ sẽ sống trên sông hoài với con, vía tôi thấy nó cười…”. Dì nói một hơi dài, giọng dì hơi nghẹn lại: “Trời ơi, chị có chuyện buồn lòng mà tôi lại kể chuyện buồn lòng nữa, chắc chị phiền tôi lắm. Mớ đồ nầy tôi cất lâu rồi, sợ mốc, cứ mấy tháng là tôi đem ra giặt lại, của con bé con tôi có, của chồng tôi có. Chồng tôi… tôi chỉ còn giữ lại bao nhiêu đây thôi. Chị coi, tôi khùng hôn, không giặt thì không được mà giặt hoài, tới hơi chồng cũng bay, tôi cũng quên mất rồi…”.

Dì cười quay quắt. Má tôi chút nữa đã bật khóc, bà cố nén nghẹn ngào:

– Ðàn bà mình sao khổ vậy?

Tiếng gà gáy xa xa, con nước đêm nay mau lớn quá, mới đây thôi đã ngập nửa cây sào neo ghe rồi. Lúc nầy, nước lớn không nghe bìm bịp kêu, mà nhờ không có, chứ nghe bìm bịp kêu càng buồn nữa. Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà giành với người ta chút nầy nữa. Năm nầy qua năm khác mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đấu mặt lại ngủ… Còn người ta, nhớ thương đứt ruột, có thể chạy ào lại để gặp nhau nhưng vì lương tâm không làm được, đành ngồi đây ngó lên, ngồi ở trên ngó xuống. Ðau lắm chớ. Má tôi nhìn ra ngoài trời, vẫn còn khuya lắm, nhưng đã thấy mấy chiếc xuồng đi chợ sớm lướt qua, tiếng mái chèo quẫy chũm trên mặt sông ngọt, nhẹ, cứ tưởng từng lát nước xếp lên nhau như những lát đất cày. Dường như trời bớt gió nhiều rồi. Dì nghiêng đầu ra ngó trời, chừng như nuối tiếc, thảng thốt:

– Trời đất, đêm qua lẹ thiệt. Chắc tôi phải đi bây giờ.

– Sớm vậy sao?

– Dạ, tôi thường đi… trước lúc người ta thức…

– Tại tôi nhiều chuyện làm chị thêu không xong…

– Không, người đàn bà cười, nét mặt thốt nhiên buồn bã, tôi thêu cho hết đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra thôi, tôi sợ, nếu không làm gì, tôi… tôi sẽ nhớ chồng con tôi rồi mắc… khóc, cầm lòng không được. Mà, đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm, chị à.

Vậy rồi hai người chia nhau đi. Ghe nổ máy rồi, khói xịt tơi bời, dì còn dặn lại: “Nếu ảnh có quay về, chị đừng giận ảnh nghen. Người ta có đi đâu làm gì thì cũng thương mình chị thôi”. Má tôi không nói, quay đi và khóc.

Tháng sau, má tôi quyết định gom mớ của cải cả nhà có được ra chợ, mua cái nhà. Ba tôi biết chút ít nghề mộc nên nhận đóng tủ, bàn ghế ở nhà, má tôi chiên đậu hũ bỏ mối, chị tôi mở tiệm may, tôi vào đại học. Mọi thứ được sắp đặt lại, mới mẻ, gọn gẽ. Má tôi bắt ba phải xa sông, nhưng chính bà cũng biết, những dòng nhớ vẫn tiếp tục chảy mãi trong hồn ông. Má tôi cũng không kể với ba cái đêm gặp “tình địch” ấy, nhưng mãi mãi, mỗi khi cả nhà ngồi ăn cơm, tim má lại hiện lên hình ảnh cái rổ úp chén đan bằng nan tre đã xỉn mầu, trên đó có cái dĩa, cái tô và ba cái chén, ba đôi đũa như thuở người đàn bà trên ghe còn nguyên một gia đình.

… Bây giờ má tôi muốn gặp dì, nhưng lâu quá, chờ hoài không thấy dì ghé lại đậu ngoài bến như ngày xưa, đã mười mấy năm rồi, không biết có biến cố gì không. Chỉ tội má tôi tảo tần kiếm cho kỳ được. Tôi hỏi má tìm làm gì, má tôi nói để cho hai người gặp lại, coi thần trí ba mầy có đỡ hơn không. Rồi thì ba tôi cũng mỏi mòn nằm xuống trên mảnh vườn của nội tôi, bình yên. Má tôi vẫn không ngừng tìm kiếm dì, hỏi để làm gì, má tôi nói để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi.

Ðó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.

St

Buổi tối thứ Bảy, tôi cùng người bạn ngồi uống nước dừa bên bờ sông Tiền. Trời đứng gió nhưng dòng sông vẫn trôi miên man và phả hơi nước lên mát rượi. Bạn tôi dân Mỹ Tho nên anh rành phong cảnh nơi đây. Anh đang thao thao giảng cho tôi hiểu lai lịch con sông Tiền. Còn tôi nhìn dòng sông và cố hiểu nó trong im lặng.

– Mời chú mua vé số.

Người bạn tôi lắc đầu, xua tay với một cô bé bán vé số mặc áo sơ mi trắng quần xanh và anh tiếp tục nói về dòng sông. Cô bé đưa xấp vé số qua tôi.

– Mời chú… dạ… mời thầy mua giúp em mấy tấm vé số.

Tôi nhíu mày nhìn cô bé đứng trước mặt. Ðôi mắt em đen và ướt như dòng sông đêm. Tôi hỏi :

– Tại sao em gọi tôi là “thầy”?

– Dạ tại thầy có dạy em năm lớp mười.

– Em nhận lầm rồi, tôi đâu có dạy em. Tôi mới ở Sài Gòn xuống đây chiều nay.

– Dạ năm lớp mười em còn học ở Sài Gòn. Sau đó ba em chuyển công tác xuống đây, cả gia đình phải đi theo.

– Em xuống đây bao lâu rồi?

– Dạ mới hơn một năm.

Tôi nhìn chăm khuôn mặt cô bé một lần nữa. Em e thẹn cúi gằm đầu, mái tóc ngắn che khuất hai má. Tôi cố nhớ xem em đã học lớp nào nhưng không nhớ nổi, nên hỏi :

– Em tên gì?

– Dạ… tên em… Mà thôi, thầy nhìn em còn không nhận ra, có nói tên thầy cũng không nhớ đâu.

Tôi gõ gõ ngón tay lên đầu mình, cười nói :

– Tôi xin lỗi. Các em quá đông tôi không nhớ hết. Ðể tôi mua giúp em hai tấm vé số.

Tôi rút hai tấm vé số và đưa tiền cho em. Cô bé vẫn cúi đầu nói lí nhí “Cám ơn thầy” rồi em bước vội đi. Người bạn tôi lại tiếp tục nói về những trận thủy chiến của Nguyễn Huệ với quân Xiêm trên dòng sông này. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay: 10 giờ 35. Những cục đá trong hai ly nước dừa đều đã tan. Tôi nói người bạn đi về vì đã cảm thấy buồn ngủ.

Ði ngang qua một nhà hàng ăn uống xây sát bờ sông, đèn điện thắp sáng choang và nhạc disco vang ra dồn dập, tôi thấy cô bé đứng trước cửa nhà hàng với hai người bạn. Em đang đưa tay lên chùi nước mắt, tôi vội bước đến hỏi :

– Có chuyện gì vậy em?

Cô bé ngước nhìn tôi, đôi mắt em đỏ hoe. Em lắc đầu, quay mắt đi và một người bạn của em nói :

– Có một ông quá say rượu mua mười tấm vé số của nó rồi lên xe hơi đi luôn. Nó không dám về nhà sợ má đánh.

Tôi móc túi lấy mười ngàn, nhét vào tay cô bé. Tôi vỗ vỗ vào vai em đang run lên.

– Thôi đừng khóc nữa. Em về đi, khuya rồi.

Tôi bước đi, người bạn bước theo nhăn nhó nói :

– Ông chỉ lo chuyện bao đồng.

Ðể quên chuyện đó đi, tôi cười hỏi :

– Ông có biết sông Tiền dài bao nhiêu kilomét không?

Người bạn tôi nhíu mày suy nghĩ.

– À… à… để tôi nhớ lại coi…

Buổi sáng chủ nhật, người bạn tôi bận việc nhà, tôi một mình đi dạo chơi trong thành phố. Tôi muốn vào thăm trường trung học Nguyễn Ðình Chiểu nổi tiếng, nhưng vào ngày nghỉ cổng trường đóng kín, tôi nhìn qua hàng rào chỉ thấy khoảng sân rộng, những dãy nhà lầu và những tàn cây phượng lá xanh non.

Ở đây mọi con đường hình như đều dẫn ra bờ sông nên đi loanh quanh một hồi, tôi đã đi đến chân cầu Bảo Ðịnh. Tôi vào ăn sáng ở một quán xây trườn ra mặt sông Tiền. Tôi ngồi gần cửa sổ mở ra mặt sông nước đục ngầu phù sa. Bờ bên kia gần chợ, các ghe chở trái cây đậu san sát để lên hàng.

Người miền Nam vốn hào phóng và tô hủ tíu Mỹ Tho cũng vậy. Ðầy thịt, tôm và cá mực khiến tôi ăn không hết một tô. Tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê đen và nhìn dòng sông lấp lánh ánh nắng ban mai.

– Mời chú hai, dì hai mua giúp con tấm vé số.

Nghe tiếng quen quen, tôi quay đầu lại. Cô bán vé số tối hôm qua đang mời hai vợ chồng lớn tuổi ăn hủ tíu ở bàn bên. Ðợi người đàn bà mua vé số xong. Tôi gọi :

– Này em.

Cô bé nhìn tôi, cười e thẹn rồi em bước tới, đưa xấp vé số.

– Mời thầy.

Tôi lắc đầu, kéo chiếc ghế bên cạnh.

– Em ngồi xuống đây. Tôi mời em ăn sáng.

Cô bé ngần ngại ngồi xuống chiếc ghế nệm. Tôi gọi cho em một tô hủ tíu và một ly đá chanh. Trong khi chờ đợi, tôi hỏi :

– Em tên gì?

Cô bé lấy ngón tay gạch gạch lên mặt bàn rồi ngẩng đầu lên nói :

– Em nói thầy đừng cười nghe. Em tên là Thanh Giang.

– Tên em hay vậy mà em nói buồn cười.

– Không phải vậy. Em có hỏi ba em tên đó nghĩa là gì. Ba em nói đó là tên một dòng sông nhỏ ở miền Trung, quê hương của ba em. Em sợ thầy cười vì trên đời này làm gì có “dòng sông xanh”. Như sông Tiền đây nè, hôm thì nước đục ngầu hôm thì nước đen thui, có hôm nào nước trong xanh đâu.

– Có chứ. Hôm nào trời đẹp, em thức dậy thật sớm sẽ thấy dòng sông nước trong xanh.

– Ðâu có ai mua vé số lúc thật sớm mà thầy biểu em thức dậy.

Người chủ quán bưng tô hủ tíu và ly đá chanh đặt trên bàn. Trong khi cô bé ăn hủ tíu, tôi khuấy đường trong ly đá chanh của em. Sức em thật khỏe, chỉ một loáng em đã ăn hết tô hủ tíu to đầy. Em cầm ly đá chanh và uống một hơi hết nửa ly. Tôi đốt một điếu thuốc hỏi :

– Em đi bán vé số buổi sáng, buổi tối, vậy hàng ngày em đi học buổi chiều à?

Cô bé lắc đầu.

– Em nghỉ học rồi.

– Ồ ! Sao vậy ?

– Em phải phụ giúp ba má nuôi ba em nhỏ.

– Em hãy cố gắng đi học thêm lớp đêm.

– Em bán vé số kiếm chưa đủ tiền chợ cho gia đình, tiền đâu mà đi học lớp đêm.

Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói :

– Em hãy đi học tiếp đi. Hàng tháng tôi sẽ gửi cho em một số tiền đủ để trả học phí.

– Nhưng… lương thầy chưa đủ sống mà.

– Tôi có đi dạy kèm Anh văn nên cũng đủ sống. Vậy em đừng ngại.

– Cám ơn thầy. Nhưng học xong lớp 12 em cũng phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Vậy em có học thêm một năm cũng chẳng được gì.

– Hay em học thêm một nghề gì đó như cắt may chẳng hạn. Không lẽ em đi bán vé số hoài.

Cô bé thở dài :

– Em như dòng sông chết. Nó đâu có còn trôi tới biển được mà lo.

Tôi nhăn mặt nói :

– Sao lại dòng sông chết. Em là dòng sông xanh.

Cô bé lắc đầu :

– Ba em mới về thăm quê và cho biết dòng sông nhỏ ở làng em đã khô cạn vì qui hoạch làm thủy lợi đã rút hết nước của dòng sông. Dòng sông đó không còn trôi di nữa. Nó đã chết. Như em vậy.

– Em đừng nghĩ ba láp. Em vẫn sống như răng đây nè.

– Không phải vậy đâu. Nhiều khi cầm xấp vé số trong tay nhìn bạn bè đến trường, em có cảm tưởng mình như dòng sông chết.

Cô bé cúi đầu xuống rồi ngước lên hỏi :

– Bao giờ thầy về lại Sài Gòn?

– Hai giờ chiều nay. Sáng mai tôi phải đi dạy sớm.

Cô bé xòe xấp vé số ra nhìn rồi em rút một tờ đưa cho tôi.

– Em xin tặng thầy.

Tôi xua tay.

– Thôi, em hãy giữ lấy mà bán. Tướng tôi dễ “trúng gió” chứ không dễ trúng số.

– Thầy chê quà em tặng của em tầm thường? Thầy hãy đọc hai số cuối.

Tôi cầm tấm vé số, đọc hai số cuối rồi cười nói :

– Em muốn tôi đánh đề hai số này dễ trúng hơn.

– Không phải vậy. Ðấy là tuổi của em.

Tôi chẳng hiểu em muốn nói gì nhưng tôi cũng gấp tấm vé số lại bỏ vào túi và nói :

– Cám ơn em. Trước khi về Sài Gòn, trưa nay tôi muốn mời em ăn cơm canh chua cá lóc ở quán cây me. Chắc em biết quán đó.

Cô bé gật đầu.

– Thầy đợi em được không?

– Tôi chỉ có thể đợi em đến 1 giờ trưa. Sau đó tôi phải ra bến xe đò về Sài Gòn.

– Thầy đợi em lâu hơn được không?

Tôi cười.

– Ðợi em bán hết xấp vé số à? Như thế chắc tôi phải nhịn đói về Sài Gòn.

Cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi, nói :

– Không phải vậy. Hãy đợi em đủ sức trôi đi.

Nói xong, cô bé cầm xấp vé số bước ra khỏi quán. Em chạy băng qua đường, vào một quán cà phê đang đông người ngồi. Tôi nhìn theo em và thầm nói : Hãy trôi đi, dòng sông xanh nhỏ bé. Hãy trôi đi.

Nhưng còn tôi? Tôi có giúp được gì cho dòng sông ấy trôi đi hay chỉ đứng yên trên bờ hò hét, thúc giục!

St

Bấc về. Như thể trong đời này chỉ còn gió. Gió lạnh căm căm mà khô nẻ môi người ta. Da tôi mốc cời. Tàu chạy lừ lừ dọc theo sông, những quãng không có nhà, sậy mọc thành rừng. Những bông sậy chín mềm, trắng phau phau. Ðã nhiều bông lìa cành, trùng trình bay. Nước mặn rin rít da. Nghe gió này là mùa cưới đến.

 

Nét chữ không bay bướm trong tấm thiệp mộc của út Thà mang cho tôi một cảm giác lạ lùng. Vui, buồn, chua xót lẫn lộn. Má tôi bảo: “Con về sớm mấy ngày cho thằng Phi đỡ buồn”. Tôi lật lịch khẽ cười, má à, có những nỗi buồn không ai trị được đâu. Nó day dứt tháng năm, nó dài dăng dẳng. Người yêu đi lấy chồng mà, biết bao người tự tử.

Cái lần gần đây nhất tôi đi Tân Thuận có ghé qua nhà, Phi đang lui cui đóng giường, Thà cũng qua chơi, vo gạo ngoài sàn lãn, dì Tư – má Phi lột bông súng nấu canh chua. Phi nói nửa đùa nửa thật: “Ðóng giường mới cưới vợ chơi”. “Cưới ai?”. “út Thà”. Nghe tiếng kêu cùng tiếng cười giòn trong bếp. Tôi ở lại ăn cơm chiều. Một bữa cơm ắp tiếng cười rộn rã. Khói ấm bừng nở trên những tia nắng xuyên qua khe lá. Họ làm tôi vui quá.

Vậy thì làm sao đến nông nỗi này?

Phi cười cười, từ từ rồi nói. Nhưng dì Tư thì chắt lưỡi hít hà lúc tôi bước chân vô nhà. Dì có vẻ giận Thà lắm. Phi nhún vai thì thầm: “Má tao cằn nhằn nhức mình muốn chết”.

Tôi hiểu dì Tư như hiểu má tôi. Trong lòng mọi người thằng Phi tội nghiệp lẽ ra phải được hạnh phúc. Nó hy sinh quá nhiều rồi. Với má tôi, bà thương Phi như con ruột. Phi từng trọ học ở nhà tôi gần tròn năm. Có lần nó về thăm nhà, rồi không trở lên học nữa. Dì Tư kể, lần đó nó đem cây cúp móng tay về, nằng nặc đòi cắt cho ba má. Khi nâng cái chân của dượng lên, nó rớt nước mắt. Những móng chân thúi sạm, kẽ chân nước ăn lở đến tận xương. “Con thấy ba má con cực khổ con chịu không nổi, dì Hai à”, Phi trở lên lấy đồ, từ giã bạn học, từ giã cả nhà chúng tôi, má tôi khóc.

Rồi dượng Tư chết, thằng Phi là trụ cột trong nhà chống đỡ cho người mẹ với hai đứa em gái. Mùa mưa nó xoay trần với mười tám công ruộng. Trở bấc là nó lang bạt kỳ hồ. Nó sắm dàn nhạc cũ đi hát phục vụ đám tiệc. Ban nhạc nhỏ, gồm sáu bảy người trong xóm, già có, trẻ có, vừa đờn vừa ca. Phi có giọng ca hay nức tiếng nên ban nhạc của nó khá đắt khách. Nói Phi ai cũng buột miệng khen: “Thằng đó ca mùi rụng rún”. Trăm ngã sông, ngàn ngõ xóm, Phi rành đất này như ông thổ địa. Có lần nó rủ tôi đi chơi cho biết, dặn “Về đừng viết báo nghe cha nội!” nhưng tôi không kìm được, viết ngay về loại hình sinh hoạt văn hóa nông thôn này. Lần ấy, tôi phát hiện ra, Phi càng uống say càng ca thần sầu. Lời ca rõ tiếng vành vành, làn hơi ấm áp. Giọng ca của nó không giống út Trà Ôn, Minh Cảnh hay Minh Vương, chỉ là của Phi thôi. Nó thuộc nhiều bài nhạc, bài cải lương, nhiều vô kể. Tôi ngạc nhiên về một thằng Phi mặc áo phèn đi cắm câu với một thằng Phi nghệ sĩ mặc cái quần kaki mười hai túi trên sân khấu lót bằng bộ ván ngựa. Khuya, Phi rủ tôi xuống ghe nó nằm, nó gác chân lên bụng tôi, kê tay làm đầu gối.

– Mày hát hay vậy sao không kiếm dịp đi thi?

Nó cười:

– Thôi, giọng ca tao, thiếu sông, thiếu nước, coi như hết hay rồi.

Tôi ngó sao trời, lan man một nỗi sợ hãi mơ hồ, có người thợ xây không xây nổi cho mình ngôi nhà, có người thợ mộc nằm đất ngủ lạnh, Phi chuyên hát phục vụ đám cưới cho người ta, bao giờ mới hát cưới mình đây?

– Chừng nào mày cưới út Thà? Quen người ta ba năm rồi, ngâm tới chừng nào?

– Không biết, lo cho con Minh, con Thúy trước đã. Ba năm nữa tụi nó mới ra trường. Tụi nó học ở thành phố mới một năm mà về chê dàn nhạc tao là đồ dỏm, đồ cũ. Tao giận tụi nó, thì nhờ mấy món đồ cổ đó mà tao mới nuôi nổi tụi nó học đại học. Cũng tội nghiệp, hai đứa nó biết lỡ lời nên buồn hiu. Tao thương tụi nó quá.

– Vậy không thương út Thà sao?

– Thương. Thương thiệt.

– Thương mà sao không biết tính làm sao.

Nhà út Thà ngó xéo bên sông. Hôm nay là nhóm họ, qua đám dừa nước thưa, thấy đằng trước rạp đã lùm xùm những tàu dừa bẻ vòng nguyệt, lá đùng đình vắt xòa quanh mấy cây cột rạp ốp bẹ chuối non. Phi ngượng nghịu:

– Lẽ ra tao phải qua bển phụ một tay.

– Sao vậy?

– Bữa trước gặp ngoài chợ huyện tao lỡ nói dóc là kẹt không về. Lúc đó tao tưởng là không chịu nổi?

– Bây giờ chịu nổi rồi à.

– Ừ!

Phi nói có vẻ nhẹ nhàng như thể nó đã chuẩn bị điều này từ lâu lắm rồi. Hai đứa nằm trên cái võng giăng ngoài chái dựa hàng lu nước. Tôi nghe rất rõ gió cuộn thành lọn, lăn miết trên da mình. Có nỗi buồn nào đó đang thở rất mạnh. Dì Tư buồn tình chèo xuống về bên ngoại chắc chiều mới về. Một chút ai ngờ út Thà qua. Cô mang cho chúng tôi một tiếng cười giòn.

– Em biết anh Kiên bữa nay về mà.

Phi nạt:

– Ở bên nhà đang lu bu…

– Thiếu gì người làm. Còn em, qua đây lâu lắm mới qua nữa. Mà, biết đâu là… lần cuối.

Chữ “lần cuối” Thà buông xuống, lạnh như bấc cuộn gai ốc trên tay tôi. Thà chợt cười (lại cười… giòn):

– Hai người nằm làm gì, đi nhậu đi.

Tôi với Phi trợn mắt nhìn nhau, nghe tiếng chân Thà lẹp xẹp vào bếp. Thà rành từng ngóc ngách nhà Phi nên không lâu lôi ra từ bộ vạc tre chai rượu trắng với đĩa mắm lóc xé trộn gừng. Một chút bổ sung thêm chén khế chua xắt lát. Chúng tôi kéo lại ngồi với nhau. Và với gió. Thà là con gái nhưng uống rượu khá mạnh. Phi nãy giờ không nói gì, ngó Thà lom lom:

– Làm gì ngộ vậy Thà…?

– Uống rượu cho dễ nói chuyện.

– Chuyện gì?

– Chuyện anh Phi nói gạt, ảnh tránh em. Ðám em mà ảnh còn không qua vậy mà nói thương em. Tụi mình là bạn bè, anh Kiên coi phải không?

Tôi cười cười, chịu Thà thôi. Khi chúng tôi còn nhỏ, thật tình có dạo tôi tranh Thà với Phi. Bởi vì Thà có đôi mắt một mí nhưng đen, mái tóc đen, khuôn mặt xinh xinh duyên dáng và cũng bởi vì cô nói chuyện rất cuốn hút, thuyết phục người ta, điều này với các cô gái quê là rất hiếm hoi.

– Nghe nói Thà lấy chồng về Cái Nước?

– Dạ, xa lắm, chắc lâu nữa mới về một lần. Anh Kiên đi công tác ngang chợ Rau Dừa, nhớ ghé nhà máy Phú Phong thăm em. Anh Phi cũng vậy nghen!

Phi “ừ”, nâng ly uống “chóc”.

– Sanh con cứ lấy tên anh mà đặt.

– Dạ. Nhưng vái trời cho nó đừng ca hay như anh. Có nhiều cô mê lắm.

Thà cười. Tôi ngơ ngác giữa đôi bạn thân. Họ đang đứng ở bên bờ chia xa mà thanh thản vậy sao? Tôi đùa:

– Uổng công anh nhường em cho thằng Phi, nghe tin Thà lấy chồng như trời sập. Quả tình anh giận em lắm…

Thà bảo không uống nữa, trở bộ duỗi chân.

– Em biết, ai không hiểu chuyện thì giận em lắm. Lần đó, bên chồng em qua hỏi, ba má em hẹn ba ngày trả lời. Trước đó em đã từ chối bốn mối rồi. Một mình em chạy máy đi lòng vòng kiếm anh Phi. Cực khổ lắm. Kiếm được rồi hỏi ảnh tính sao? Ảnh kêu em về. Song ảnh chạy xuồng tắt qua Rau Dừa, dò hỏi kỹ bên chồng em. Hỏi từ ông già, bà già cho tới đứa con nít xong ảnh về kêu em ra nói một câu: “Em lấy chồng đi”. Hai đứa ngồi ngoài bực tính kỹ lắm. Em thấy chắc không chờ được nữa rồi. Con gái xóm em mười bảy, mười tám tuổi có chồng, em đã hai bốn rồi, ba má em như ngồi trên đống lửa. Nói cho kỹ chuyến này là anh Phi gả em. Ảnh nói bên chồng em khá giả, lại đàng hoàng, xứ đó ai cũng biết tiếng chịu khó làm ăn. Xét cho cùng, em cũng có lỗi, em không chắc lòng chắc dạ với anh Phi. Mỗi khi ảnh đi, em nhớ ảnh lắm, em nhớ giọng ca của ảnh. Rồi tưởng tượng ra biết bao cô cũng ngồi nhớ ảnh như em. Ảnh đi hoài, mai mốt biết ảnh có về cưới em không? Có câu “Bậu lỡ thời như giấy trôi sông…” anh Kiên nghe chưa? Ðó, lỗi của em là nhiêu đó đó. Nghĩ lại cuối cùng em không xứng với cái tình của anh Phi. Tụi em thương nhau không lấy được nhau thì không có thù hằn đâm chém đâu anh Kiên à. Khổ cái, đám em ảnh trốn không qua coi như không tha thứ cho em rồi.

Phì phì cười:

– Thôi mà, anh lỡ lần này thôi, Thà ơi.

Thà nói xong, má đã ửng hồng. Ðôi mắt cô đen và trong lắm. Ðôi mắt Phi cũng đen và trong lắm. Trong lòng tôi tự nhiên muốn ôm choàng hai đứa bạn vào lòng. Ba chúng tôi ngồi với nhau như ngày xưa, lúc nhà tôi còn ở đây, chưa ngụp mặt dưới dòng sông lở. Trước nhà tôi có giàn mướp vàng hoa. Những đứa trẻ lấy đó làm nhà, sống đầm ấm, và chúng yêu thương nhau cho tới bây giờ. Phi giục:

– Thôi nói bao nhiêu đó đủ rồi, Thà về đi…

– Dạ.

– Ðừng buồn anh.

– Không buồn đâu. Mai mốt em có con, tối ngày nựng nịu nó, thời gian đâu mà buồn. Em mê con nít lắm.

– Nhớ sanh hai đứa thôi, đúng chính sách. Sanh nhiều mau già, dễ chết – Phi dặn thêm.

Chúng tôi đều cười. Cái mất mất rồi, cái còn hình như vẫn còn đó. Tôi cảm thấy hơi ấm từ lòng mình ấm phừng đến mặt. Chắc tại rượu ngon. Thà về, xuống tới bến còn quay lại phân trần:

– Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?

Cô cười giòn. Tôi có cảm giác cái cười níu chật vật làn nước mắt chực rơi ra. Thì là người mà, có phải cây cỏ đâu. Phi không tiễn Thà mà ngồi trên nhà gõ chén ca, giọng ca thêm rượu thần sầu.

“Ở ở… Ai xui mà con sáo nò sang sông cái nò sang sông. Cho nên mà con sáo ở ở sổ lồng cái kìa bay xa cái kìa bay xa, cái lý em ở, cái lý chàng đi…”.

Tôi xin thề với thiên thần thổ địa rằng chưa bao giờ được một bài Lý con sáo sang sông điệu Bạc Liêu đứt ruột như vậy. Nó mênh mang, sâu rứt những nỗi nhớ thương từ tim, từ máu. Tôi buột miệng: “Thì mày đưa con sáo của mày sang sông chớ ai”. Phi ngưng hát, miệng lầm bầm: “Chớ bắt người ta chờ mình tới chừng nào”.

Dì Tư về. Có vẻ như dì về đã lâu. Bà hỏi: “Sao tự nhiên tụi bây nhậu vậy?” mà không đợi chúng tôi trả lời, ngồi thừ rất lâu. Rồi bà kể chuyện thằng em họ xa của Phi vì ghen tuông đâm chết người bị bắt lên trên huyện. Bà chắt lưỡi: “Sao tụi trẻ bây giờ coi trọng chuyện trai gái vậy không biết”. Phi quạt mạnh tay cho những bụi than hồng trong bàn ủi bay lên, tủm tỉm cười: “Bà già muốn nhắn gởi tao đó”.

Chạng vạng, chúng tôi xuống xuồng qua sông. Dì Tư biết chúng tôi đi đâu nhưng hỏi cho có:

– Con đi đâu vậy Phi?

Phi trả lời, giọng cố nghiêm túc:

– Con đi ca, má à!

St


You're visitor #

  • 405,759

Enter your email address to subscribe to this blog and receive notifications of new posts by email.

Join 25 other subscribers

  • None
  • Diep Dung: Doc di doc lai...lam sao day ha troi ?...
  • Diep Dung: Hello bro Khoi Lam Chieu... DD cam on that nhieu nhe..... Hen 888 voi moi nguoi vao mai nhe... Em DiepDung
  • Diep Dung: Hello Sis Nua Vang Trang... Dem nay DD tran tro mai , lan qua lon lai 8 vong tren guong ma cung kg ngu dc, 4:00am lan mo vao day......That bat ngo va

Diepgiatrang

April 2011
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Flickr Photos